TP.HCM chung tay chăm lo để người lao động đón Tết ấm áp, an vui
Công tác chăm lo Tết đang được chính quyền, các cấp, ngành, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện hiệu quả, chất lượng và mở rộng diện người thụ hưởng.
Những ngày cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp và người lao động đang tất bật cho những đơn hàng cuối cùng của năm 2024.
Không khí lao động nhộn nhịp, hăng say len lỏi đến từng phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp để hoàn thành kế hoạch sản xuất; đồng thời kỳ vọng thưởng Tết năm nay khá hơn. Các hoạt động chăm lo Tết sẽ giúp người lao động thêm no ấm, hạnh phúc.
Lo Tết cho người lao động
Việc làm đảm bảo tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và các doanh nghiệp trực thuộc từ sau COVID-19 đến nay đã giúp hơn 7.200 người lao động ở nhiều loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác nhau ổn định cuộc sống.
Đặc biệt càng gần Tết, các đơn vị khách sạn, lữ hành, ẩm thực, đào tạo, vui chơi giải trí... càng rộn ràng, sôi động với hy vọng một mùa bội thu và mức thưởng Tết giúp người lao động yên tâm thi đua sản xuất, kinh doanh.
Bà Trương Tố Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cho biết đơn vị đang khẩn trương triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết Ất Tỵ cho người lao động; quyết định dành hơn 10 tỷ đồng để chi thưởng Tết và lương tháng 13 cho công nhân.
"Như vậy, lương, thưởng Tết năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Mức thưởng bình quân là 15 triệu đồng/người chưa bao gồm hoạt động chăm lo của Công đoàn các cấp trong hệ thống Tổng công ty," bà Trương Tố Hoa chia sẻ.
Bà Trần Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Sài Gòn Food (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết tình hình sản xuất kinh doanh năm nay khả quan hơn. Các chỉ số kinh doanh tốt hơn như: doanh số xuất khẩu tăng 17%, hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận, lực lượng lao động duy trì ổn định.
Để khuyến khích người lao động, lãnh đạo công ty chi hơn 20 tỷ đồng thưởng Tết, lương thứ 13 cho tất cả 2.000 người lao động (tăng 10% so với năm 2023); thưởng hiệu quả sản xuất hằng tháng cho công nhân tương đương 1 tháng lương; dành 1 tỷ đồng để thanh toán tiền nghỉ phép năm; thưởng thâm niên bình quân từ 1,7 triệu đồng/người; tổ chức tiệc tất niên và tặng nhiều phần quà nhu yếu phẩm cho người lao động...
“Ngoài ra, lãnh đạo công ty cùng Công đoàn tiếp tục thực hiện chuyến xe đưa - đón công nhân về quê ăn Tết với tổng kinh phí dự trù khoảng 1,5 tỷ đồng; bố trí nghỉ Tết dài ngày (từ 22 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng) để người lao động có nhiều thời gian hơn bên gia đình...” bà Trần Kiều Oanh thông tin thêm.
Tương tự, ông Lại Thế Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình (chuyên sản xuất bao bì, đóng tại Khu công nghiệp Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, công ty thống nhất ngoài lương tháng 13 còn thưởng thâm niên tương đương 1 tháng lương cùng phần quà Tết trị giá từ 500.000-1,2 triệu đồng/người.
Đơn vị cho người lao động nghỉ Tết 9 ngày (từ 25/1 đến hết ngày 2/2/2025); đồng thời tổ chức chương trình Tân niên chào đón công nhân trở lại, chúc Tết, động viên trong ngày làm việc đầu năm mới thay vì tổ chức Tất niên do cuối năm việc sản xuất, kinh doanh bận rộn.
Tuy chưa "chốt" thưởng Tết nhưng ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Dony (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, mức thưởng Tết thấp nhất là 1 tháng lương/người.
“Năm 2024, doanh thu của đơn vị tăng so với năm trước; tình hình đơn hàng cũng khả quan cho đến năm sau. Do đó, Công ty sẽ nỗ lực để có mức thưởng tốt nhất cho người lao động đón Tết ấm áp, đủ đầy...”- ông Quang Anh cam kết.
Tất cả vì người lao động
Để người lao động được đón Tết đầy đủ, ấm áp, nhiều doanh nghiệp trong nước, liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố đã chuẩn bị ngân sách hàng tỷ đồng để thưởng Tết.
Chị Nguyễn Thị Hường (công nhân Công ty Cổ phần Sài Gòn Food) cho biết năm nào công ty cũng chăm lo Tết chu đáo cho công nhân. Không chỉ lương, thưởng Tết, doanh nghiệp còn có nhiều chương trình phúc lợi, các hoạt động vui chơi, giải trí, bảo đảm sức khỏe cho người lao động... Chị Hường chia sẻ lương, thưởng khá, thời gian nghỉ Tết dài cùng với việc được về quê đón Tết trên chuyến xe nghĩa tình giúp nhiều công nhân yên tâm.
Tương tự, theo anh Phạm Gia Bảo (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Dony): "Đơn hàng ổn định và có xu hướng tăng nên doanh nghiệp có các chính sách lương, thưởng, phúc lợi tốt để chia sẻ, gắn kết, giữ chân người lao động. Qua đó động viên, thu hút thêm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp."
Đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, nhìn nhận năm 2024, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đều có đơn hàng, đời sống người lao động ổn định. Do vậy, mức thưởng bình quân của người lao động Tết này cao hơn năm 2023; trong đó có một phần do tăng lương tối thiểu vùng, tăng phụ cấp thâm niên...
Ông Nguyễn Văn Hải cho biết hiện có gần 100/166 doanh nghiệp thông tin về mức thưởng Tết bình quân 8,8 triệu đồng/người, thấp nhất 1 triệu đồng/người và cao nhất khoảng 300 triệu đồng/người. Tuy nhiên có doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, tổ chức Công đoàn đang theo sát tình hình để kịp thời phối hợp với các đơn vị chức năng có phương án hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cùng với các cơ quan, doanh nghiệp lập kế hoạch, công bố mức lương, thưởng cuối năm cho người lao động, Liên đoàn Lao động Thành phố dự kiến dành hơn 46 tỷ đồng chăm lo Tết Ất Tỵ cho các trường hợp khó khăn. Điểm nhấn là chương trình "Tết sum vầy - Xuân đoàn kết" chăm lo cho 15.000 gia đình đoàn viên bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bị ảnh hưởng thiên tai tại các tỉnh phía Bắc, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết.
Công đoàn phối hợp tổ chức "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" chăm lo cho 9.500 đoàn viên khó khăn, đoàn viên nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức với mức chi là 1 triệu đồng/đoàn viên để mua sắm; tổ chức chương trình "Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng Thành phố" chăm lo cho 10.000 gia đình đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia hoạt động Công đoàn...
Các cấp Công đoàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo hiệu quả, thiết thực, nghĩa tình như: Tấm vé nghĩa tình, Tết cho em, Vui Tết ở nhà trọ; chăm lo cho đoàn viên nghiệp đoàn, công nhân, lao động tại các khu lưu trú, khu nhà trọ trong khu vực. Đồng thời, phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành chuyên đề giám sát tình hình chi trả lương, thưởng Tết tại các đơn vị doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố, cho biết thành phố dự chi hơn 900 tỷ đồng; vận động hơn 50 tỷ đồng cùng Công đoàn các cấp dự trù kinh phí hàng trăm tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho công nhân, người lao động, tặng quà cho các gia đình chính sách. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức hoạt động họp mặt, viếng nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức các đoàn đi thăm, chúc Tết gia đình người có công, diện bảo trợ xã hội...
Tết Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, công tác chăm lo Tết đang được chính quyền, các cấp, ngành, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện hiệu quả, chất lượng và mở rộng diện người thụ hưởng. Mức chăm lo ở nhiều nơi cũng tăng từ 1,8-2 lần so với năm trước.
Các hoạt động chăm lo Tết đa dạng từ vật chất đến tinh thần, đảm bảo thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, người lao động. Qua đó cho thấy, thành phố đã và đang nỗ lực để Tết đến với mọi người, mọi nhà và không để ai bị bỏ lại phía sau.../.