TP.HCM: “Chợ Tết 0 đồng” cho 1.000 người có hoàn cảnh khó khăn
Sáng 7/1, 1.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được tham gia “Chợ Tết 0 đồng” để mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng lưu động của siêu thị Sài Gòn Co.op.
Sáng 7/1, 1.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được tham gia “Chợ Tết 0 đồng” để mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng lưu động của siêu thị Sài Gòn Co.op. Đây là một trong những hoạt động của phong trào “Tết Nhân ái - Xuân Quý Mão 2023” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức, nhằm mang đến cái Tết trọn vẹn, ấm áp cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ sáng sớm, cụ Nguyễn Thị Phương Loan (86 tuổi, ngụ Quận 1) đã nhờ hàng xóm đưa đến sân vận động Hoa Lư để đi “Chợ Tết 0 đồng”. Chọn đầy một xe quà gồm bánh mứt, nước yến, dầu ăn, cà phê… bà Loan chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được đi chợ 0 đồng, không tốn một xu nào mà mua được bao nhiêu thứ. Tết năm nay không sợ thiếu thốn nữa.”
Khệ nệ bưng thùng nước ngọt, chai dầu ăn 5 lít, nước mắm, đường và các loại bánh mứt phục vụ trong những ngày Tết, với anh Lê Thanh Phát (ngụ quận Bình Thạnh) đây có lẽ là Tết đủ đầy nhất trong 3 năm trở lại đây. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, cả 2 vợ chồng anh thất nghiệp, phải ra lề đường “buôn thúng bán bưng” kiếm sống qua ngày.
Kinh tế gia đình càng khó khăn hơn khi các con còn đang tuổi ăn học, vì thế dù Tết đến nhưng anh cũng không dám chi tiêu nhiều. “Nhờ chương trình “Chợ Tết 0 đồng” năm nay nhà tôi tươm tất hơn, ấm cúng và đủ đầy hơn. Tôi biết ơn rất nhiều”, anh Phát không giấu nổi xúc động.
Bà Huỳnh Thị Xuân Lam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, trước thềm Tết Quý Mão 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức Chương trình “Chợ Tết 0 đồng” cho 3.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bình Dương với tổng trị giá trên 4,2 tỷ đồng.
[Lâm Đồng: 6.000 người lao động sẽ được hỗ trợ trong “Tết sum vầy”]
Trong đó, đại diện các gia đình được hỗ trợ sẽ nhận voucher mua sắm trị giá 1 triệu đồng tại “Chợ Tết 0 đồng” và sẽ tự do chọn lựa những sản phẩm cần thiết cho gia đình mình. Bên cạnh đó, người hưởng lợi cũng sẽ được tham gia các hoạt động vui Tết như: Cắt tóc miễn phí, tặng chữ thư pháp, thi gói bánh, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe và các trò chơi dân gian... “Chương trình đem lại sự hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần ý nghĩa đối với những hoàn cảnh khó khăn, phần nào giúp các gia đình đón Tết với mâm cơm đoàn viên thật sự”, bà Huỳnh Thị Xuân Lam nhấn mạnh.
Sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, "Chợ Tết 0 đồng" sẽ tiếp tục được tổ chức tại tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh để mang Tết ấm cúng đến với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thông qua Quỹ Tết Nhân ái, hơn 2.000 chiếc bánh chưng cũng sẽ được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gửi tặng học sinh - sinh viên, người vô gia cư, lao động tự do xa nhà không thể về quê đón Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đây là hai trong nhiều hoạt động của Phong trào “Tết Nhân ái” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động nhằm tiếp tục huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng tổ chức các mô hình “Tặng quà - Vui Tết”, trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Các hoạt động của phong trào “Tết Nhân ái” được thiết kế đảm bảo các nguyên tắc: tôn trọng nhân phẩm, quyền tham gia, quyết định của người hưởng lợi; tôn trọng tập quán văn hóa và truyền thống của người dân địa phương; phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để mọi người dân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tham gia tổ chức và đóng góp nguồn lực sẵn có. Nét mới của phong trào “Tết Nhân ái” là sự đa dạng trong cách thức tổ chức các hoạt động, bao gồm: tặng quà và chúc Tết, chợ Tết Nhân ái, cửa hàng dịch vụ đón Tết, cỗ Tết, hoạt động vui Tết./.