TP.HCM chi hơn 150 tỷ đồng khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi

Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố hiện có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước với 76,3 tuổi, chất lượng sống của nhiều người cao tuổi vẫn ở mức thấp, sức khỏe nhiều người giảm sút nghiêm trọng.

Người cao tuổi được khám sức khỏe miễn phí tại Trạm Y tế phường 9, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trước thách thức về già hóa dân số, số lượng người cao tuổi ngày càng gia tăng, vấn đề đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh là làm sao chăm lo tốt cho đời sống, sức khỏe của đối tượng này.

Với việc chi hơn 150 tỷ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước có hành động cụ thể trong công tác chăm lo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi - những người được coi là “vốn quý của nước nhà."

Nhiều người cao tuổi chưa được chăm sóc sức khỏe toàn diện

Dù thỉnh thoảng đau nhức đầu, chóng mặt nhưng bà Lê Thị Dâu (70 tuổi, ngụ phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức) vẫn không đến bệnh viện khám bệnh. Ở tuổi xế chiều, không có lương hưu, cuộc sống của bà Dâu gặp nhiều khó khăn, bà không có điều kiện để đi khám bệnh.

Thế nên khi nhận được giấy mời khám sức khỏe miễn phí của Trạm Y tế phường Linh Trung, bà Dâu không khỏi vui mừng.

“Đến đây tôi được khám, lấy máu, siêu âm miễn phí, tôi phấn khởi lắm. Bác sỹ bảo tôi bị cao huyết áp, cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn, siêng năng tập luyện thể dục để cân bằng lại," bà Dâu chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Văn Tám (68 tuổi, ngụ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng rất phấn khởi khi được mời đến Trạm Y tế phường 9 để khám sức khỏe miễn phí. Đây là lần đầu tiên ông Tám được khám sức khỏe miễn phí một cách bài bản như thế này.

“Chủ trương này của thành phố rất hay, người cao tuổi chúng tôi mong năm nào cũng được khám sức khỏe để tuổi già được sống một cách khỏe mạnh, vui vẻ hơn," ông Tám bày tỏ.

Đây là 2 trong số hơn 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe miễn phí trong đợt thí điểm khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Trong đợt thí điểm, 70 trạm y tế đã tham gia khám sức khỏe cho hơn 17.000 người cao tuổi.

Kết quả cho thấy người cao tuổi đang sinh sống tại thành phố thường mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng huyết áp, hen phế quản, đái tháo đường… Cụ thể, đứng đầu trong các bệnh lý mà người cao tuổi mắc phải là tăng huyết áp, chiếm 51,30%; kế đến là đái tháo đường 14,60%; hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khoảng 2,57%; tiền sử ung thư 1,10%.

Bên cạnh đó, khoảng 2,85% người cao tuổi có dấu hiệu trầm cảm; 1,98% có dấu hiệu lo âu, 2,62% người cao tuổi nghi ngờ có dấu hiệu ung thư.

[Tuổi thọ trung bình của người Việt là hơn 73 tuổi nhưng kèm nhiều bệnh]

Ngoài ra, qua đợt thí điểm khám sức khỏe này, lần đầu tiên ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh có số liệu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Khoảng 16,27% người cao tuổi có dấu hiệu tiền suy yếu; 0,45% người có dấu hiệu suy yếu; 28,88% người có nguy cơ té ngã; 1,60% người phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển); 6,54% người phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...).

Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận người cao tuổi trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là vấn đề thu nhập và sức khỏe. Nhiều người cao tuổi phải chật vật mưu sinh ở tuổi xế chiều, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa được chăm sóc một cách đầy đủ và toàn diện. Điều này khiến khi tuổi già, họ phải sống trong cảnh thiếu thốn, đau yếu, bệnh tật.

Tất cả người cao tuổi đều được khám sức khỏe miễn phí

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dưới tác động của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao, quá trình già hóa dân số trên địa bàn bắt đầu diễn ra từ năm 2010 và đến nay toàn thành phố có 1.033.355 người cao tuổi, chiếm 11,03% dân số, cao thứ hai trong cả nước. Một trong những thách thức về già hóa dân số mà thành phố đang phải đối diện là vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước với 76,3 tuổi, song chất lượng sống của nhiều người cao tuổi vẫn ở mức thấp. Nhiều người cao tuổi có sức khỏe giảm sút nghiêm trọng khi mắc cùng lúc 3-4 bệnh mạn tính, có người dù mắc bệnh nhưng không được thăm khám định kỳ, không được chăm sóc toàn diện.

Trước những thách thức đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 2762/KH-UBND về việc khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo.

Mỗi năm, ngân sách thành phố sẽ chi khoảng 150 tỷ đồng để khám sức khỏe cho hơn một triệu người cao tuổi trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính và tiết kiệm chi phí điều trị. Toàn bộ dữ liệu về sức khỏe của người cao tuổi được lưu trong hồ sơ sức khỏe điện tử, đưa vào chương trình quản lý các bệnh không lây nhiễm của các địa phương.

Người cao tuổi được khám sức khỏe miễn phí tại Trạm Y tế phường 9, quận 8. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đặc biệt, việc khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi không phân biệt thường trú hay tạm trú, điều đó có nghĩa toàn bộ người cao tuổi đang cư trú trên địa bàn đều được khám sức khỏe miễn phí.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trước đây việc khám sức khỏe cho người cao tuổi đa số đều do các quận, huyện tự tổ chức, chưa có sự đồng nhất.

Để chuẩn bị cho mục tiêu khám sức khỏe cho hơn 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn vào năm 2024, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đợt thí điểm khám sức khỏe người cao tuổi tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức với 70 trạm y tế tham gia.

Theo kế hoạch, từ năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi để phát hiện bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu)... từ đó đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị theo chương trình WHO PEN (Gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu do Tổ chức Y tế Thế giới tài trợ). Toàn bộ dữ liệu khám sức khỏe của người cao tuổi sẽ được liên thông vào Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh không lây.

“Bước đầu chúng tôi đã nhận diện được mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn, từ đó có các giải pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi," tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tập huấn và tái tập huấn cho lực lượng tại các trạm y tế về tầm soát, phát hiện, quản lý, điều trị và chăm sóc người cao tuổi tại địa phương.

Sở Y tế cũng phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng mô hình Chăm sóc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi tại các địa phương./.

Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)