Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thay đổi cách thức cứu trợ vào Gaza
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ nếu không thay đổi cách thức vận chuyển hàng viện trợ, LHQ sẽ không thể tiếp tục đưa hàng cứu trợ vào Gaza và người dân sẽ đối mặt với một loạt đau khổ chưa từng có.
Ngày 27/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo người dân Gaza đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất do thiếu lương thực, nước và điện khi xung đột leo thang tại khu vực này.
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, thả vô điều kiện tất cả con tin và cung cấp nhu yếu phẩm. Ông nhấn mạnh với tình hình nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có sự thay đổi cơ bản và ngay lập tức về cách thức vận chuyển hàng viện trợ, Liên hợp quốc sẽ không thể tiếp tục đưa hàng cứu trợ vào bên trong Gaza và người dân khu vực sẽ phải đối mặt với một loạt đau khổ chưa từng có.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trước xung đột, mỗi ngày có khoảng 500 xe tải chở hàng hóa tới Dải Gaza, nhưng trong những ngày gần đây, con số trung bình giảm xuống chỉ còn 12 chiếc, đi vào từ cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập.
[Liên hợp quốc kêu gọi đảm bảo hàng cứu trợ nhân đạo tới được Dải Gaza]
Ngoài ra, hàng cứu trợ vào Gaza không bao gồm nhiên liệu cho các hoạt động của Liên hợp quốc, vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc cấp điện cho các bệnh viện, nhà máy khử nước mặn, sản xuất thực phẩm và phân phối hàng cứu trợ.
Do đó, theo ông, cần điều chỉnh hoạt động của hệ thống xác minh hàng hóa qua cửa khẩu Rafah để các xe tải vào Gaza không bị chậm trễ, đảm bảo tất cả người dân trong khu vực được tiếp cận thực phẩm, nước, thuốc men và nhiên liệu một cách nhanh chóng và an toàn.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), xung đột đã khiến hơn 1,4 triệu người tại Dải Gaza buộc phải rời bỏ nhà cửa, với gần 50% trong số này đang tạm trú trong các trường học do Liên hợp quốc điều hành.
Giám đốc WFP Samer Abdeljaber khẳng định hiện không có nơi nào an toàn tại Gaza. Trong khi thực phẩm đang dần cạn kiệt, người dân Gaza cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận điện và nước.
Về y tế, hiện có 23 trong tổng số 35 bệnh viện tại Gaza còn hoạt động một phần, 65% cơ sở khám sức khỏe ban đầu do chính quyền địa phương quản lý và 64% cơ sở do Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông (UNRWA) điều hành đã phải đóng cửa.
Trước tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo cần gấp khoảng 80 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo ở Bờ Tây và Gaza, đồng thời thực hiện kế hoạch dự phòng cho Ai Cập, Liban, Syria và Jordan từ nay đến hết năm.
Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cũng cảnh báo việc Israel tấn công trên bộ vào Dải Gaza sẽ dẫn đến hậu quả nhân đạo thảm khốc cho vùng lãnh thổ này trong nhiều năm, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ chiến tranh.
Ông cũng đánh giá cao việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo.
Về thương vong do xung đột, tại họp báo ngày 27/10, Đại diện của WHO tại Bờ Tây và Gaza Richard Peeperkorn cho biết cho đến nay, tổ chức này đã nhận được báo cáo về 7.045 người thiệt mạng bên phía Palestine, trong đó gần 50% là trẻ em và 80.842 người bị thương.
Trong khi đó, phía Israel cho biết các cuộc tấn công của Hamas từ hôm 7/10 đã làm hơn 1.400 người ở Israel thiệt mạng./.