Tổng thống và lãnh đạo Quốc hội Chile thảo luận về cải tổ Hiến pháp
Chủ tịch Hạ viện Chile nhấn mạnh trong khi tình hình chính trị-xã hội mong manh, các thể chế cần phải hành động một cách đồng bộ và đã đến lúc sự đồng thuận trong chính trị phải lên ngôi.
Ngày 5/9, Tổng thống Chile Gabriel Boric đã nhóm họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này để thảo luận về các biện pháp tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải tổ Hiến pháp, sau khi không nhận được sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra cuối tuần qua.
Sau cuộc họp, Chủ tịch Hạ viện Raul Soto nhấn mạnh trong thời điểm tình hình chính trị-xã hội mong manh như hiện nay, các thể chế cần phải hành động một cách đồng bộ và đã đến lúc sự đồng thuận trong chính trị phải lên ngôi.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Alvaro Elizalde khẳng định Quốc hội cần phải đưa ra một đề xuất xứng đáng với những gì đại đa số người dân đòi hỏi và Tổng thống sẽ phải triệu tập một cuộc họp với đại diện của tất cả các đảng phái trong cơ quan lập pháp để lắng nghe quan điểm của họ trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
[Kết quả sơ bộ cuộc bỏ phiếu về hiến pháp mới ở Chile]
Theo đánh giá của giới quan sát, chính phủ và Quốc hội sẽ phải xây dựng một đề xuất mang tính ôn hòa và có tính kế thừa hơn. Trong số các yếu tố tác động tới thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua có một số quy định do cơ quan lập hiến đưa ra, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới nhiều quyền rộng rãi và chưa có tiền lệ của người bản xứ không được đề cập trong Hiến pháp hiện hành.
Sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân, Tổng thống Boric cũng cam kết sẽ cùng với Quốc hội và xã hội dân sự xây dựng một lộ trình mới cho kế hoạch cải tổ Hiến pháp, trong đó sẽ cố gắng đưa ra được một văn kiện đáp ứng tối đa nguyện vọng của đại đa số người dân. Ông cũng kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị ưu tiên lợi ích của đất nước, đặt sang một bên những khác biệt để sớm có thể đạt được sự đồng thuận về giới hạn của tiến trình cải tổ Hiến pháp mới.
Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 4/9, Cơ quan bầu cử Chile cho biết đã có 62% cử tri tại quốc gia Nam Mỹ này bỏ phiếu phản đối dự thảo hiến pháp trên, trong khi chỉ có 38% số cử tri ủng hộ.
Dự thảo Hiến pháp mới được soạn thảo với mục tiêu xây dựng một xã hội dựa trên phúc lợi nhiều hơn, thúc đẩy quyền lợi của người bản địa…/.