Tổng thống Putin: Nga vẫn mở cửa chào đón doanh nghiệp nước ngoài

Theo các nhà nghiên cứu, bất chấp những nỗ lực của phương Tây, Nga vẫn tích cực tham gia vào thương mại quốc tế. Một số quốc gia trong EU vẫn tiếp tục mua năng lượng có nguồn gốc từ Nga.

Ngay từ hồi đầu năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Moskva sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại diễn đàn "Russia Calling!" tại Moskva ngày 4/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga chưa bao giờ gây áp lực buộc các công ty nước ngoài phải rời khỏi nước này bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, và phần lớn các công ty vẫn ở lại.

Ông Putin lưu ý rằng mặc dù chịu áp lực chính trị từ chính phủ của họ, nhiều công ty từ Mỹ và Tây Âu vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga. Theo ông Putin, chỉ có 1/4 công ty nước ngoài rời Nga do áp lực từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo Tổng thống Putin, việc cắt đứt quan hệ với Nga đóng vai trò chính trong các vấn đề kinh tế mà các nước EU hiện đang phải đối mặt. Đặc biệt, điều này là do mất nguồn cung cấp năng lượng ổn định của Nga với giá cả hợp lý, cũng như cơ hội bán sản phẩm và cung cấp linh kiện của họ cho thị trường Nga, và sử dụng các tuyến logistics. EU cũng mất đi cơ hội sử dụng đồng tiền của mình để thanh toán, làm giảm đáng kể lợi nhuận trong nền kinh tế của khối.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ rằng, các công ty lớn ở EU đang đóng cửa, những công ty khác đang chịu tổn thất. Sản xuất thủy tinh, hóa chất, phân bón và nông nghiệp đang chịu tổn thất nghiêm trọng vì họ đã mất thị trường Nga.

Ông Putin nhấn mạnh nền kinh tế Đức nói riêng đã phải chịu đòn giáng mạnh nhất do lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. Toàn bộ các doanh nghiệp của Đức đang đóng cửa do thiếu năng lượng và nguyên liệu thô của Nga, ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của nước này - ngành công nghiệp ô tô.

Bất chấp những nỗ lực của phương Tây, Nga vẫn tích cực tham gia vào thương mại quốc tế. Một số quốc gia trong EU vẫn tiếp tục mua năng lượng có nguồn gốc từ Nga, trong khi những quốc gia khác thực hiện thông qua các bên trung gian, theo các nhà nghiên cứu theo dõi nguồn cung.

Tháng trước, Bloomberg đã cảnh báo rằng, vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ, nhắm vào Gazprombank của Nga, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Tây Âu./.