Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh đóng tàu phá băng hạt nhân mới
Tổng thống Putin nêu rõ chiếc tàu phá băng hùng mạnh mới sẽ là hình ảnh gợi nhớ chiến công bất tử của Leningrad, lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của những người bảo vệ và người dân thành phố.
Ngày 26/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát lệnh đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên Leningrad.
Phát biểu tại sự kiện, ông Putin lưu ý đây là một sự kiện quan trọng diễn ra tại Nhà máy Đóng tàu Baltic ở St. Petersburg, khi tàu phá băng Leningrad được chính thức đặt ky.
Đây là tàu phá băng hạt nhân đa năng thứ 5 được đặt ky và có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko; Thống đốc thành phố St. Petersburg, ông Alexander Beglov; người đứng đầu tập đoàn Rosatom, ông Alexey Likhachev và người đứng đầu Ngân hàng Ngoại thương (VTB) Andrey Kostin.
Lễ đặt ky tàu phá băng Leningrad diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 80 năm giải phóng hoàn toàn Leningrad khỏi vong vây phong tỏa của phátxít Đức.
Tổng thống Putin nói rõ: “Chiếc tàu phá băng hùng mạnh mới sẽ là hình ảnh gợi nhớ chiến công bất tử của Leningrad, lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của những người bảo vệ và người dân thành phố trong việc vượt qua mọi khó khăn để chống lại phátxít."
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 26/1, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko cho biết Hải quân nước này đã nhận được hơn 7.700 đơn vị vũ khí, trong đó có nhiều tàu chiến và tên lửa hành trình tầm xa phóng từ biển.
Các tàu chiến bao gồm tàu khu trục Đô đốc Golovko, 2 tàu hộ tống Rezkiy và Mercury, tàu ngầm hạt nhân đa năng Krasnoyarsk, tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III và tàu ngầm lớn Mozhaisk.
Trong khi đó, các tên lửa hành trình tầm xa phóng từ biển là các tên lửa mang tên Kalibr, Uran và Zircon.
Ngoài ra, Hải quân Nga còn được bổ sung các tàu trang bị tên lửa cỡ nhỏ mang tên Naro-Fominsk và Cyclone; cùng tàu quét thủy lôi Lev Chernavin và tàu tuần tra Neustrashimy (quay trở lại trực chiến sau thời gian sửa chữa).
Theo thống kê, trong một năm qua, các doanh nghiệp công nghiệp Nga đã cung cấp cho Hải quân 33 tàu đột kích, tàu đa năng và tàu hỗ trợ; 11 máy bay và trực thăng, đặc biệt là máy bay chống ngầm tầm xa, máy bay chiến đấu đa năng, trực thăng chống ngầm và trực thăng vận tải-chiến đấu trang bị cho tàu.
Dự kiến trong năm nay, các tàu của Hải quân Nga sẽ được nhận số lượng đáng kể tên lửa siêu vượt âm Zircon./.