Tổng thống Nga công bố những định hướng bảo đảm chủ quyền kinh tế
Về vị trí của nền kinh tế Nga trên thế giới, người đứng đầu nhà nước Nga cho biết nước này đặt mục tiêu trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 7/6, tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu kéo dài hơn 1 giờ trước toàn thể khách mời, trong đó có một số nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo khối kinh tế, đại diện doanh nghiệp lớn của Nga và nước ngoài.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Cơ sở của thế giới đa cực là hình thành các điểm tăng trưởng mới."
Tổng thống Putin mở đầu bài phát biểu bằng việc đánh giá các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo đó, ông nhận định các nước châu Á và châu Phi đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Ông khẳng định chính hai khu vực này sẽ quyết định hướng phát triển tương lai vào giữa thế kỷ 21.
Về vị trí của nền kinh tế Nga trên thế giới, người đứng đầu nhà nước Nga cho biết nước này đặt mục tiêu trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo một số dữ liệu, bao gồm đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), vào tuần trước WB đã xếp Nga ở vị trí thứ 4, trên Nhật Bản, về sức mua tương đương.
Hướng tới các nhà đầu tư, lãnh đạo khối kinh tế, Tổng thống Nga công bố những kế hoạch phát triển vượt bậc của Nga, trong đó có nhiệm vụ lọt vào top 10 các nước về hàm lượng khoa học và sáng chế-thiết kế (R&D) trong 6 năm tới đây, tiến hành cách mạng nền tảng kỹ thuật số, tăng năng suất lao động (đến năm 2030, dự kiến sẽ có ít nhất 40% doanh nghiệp lớn và vừa tham gia vào lĩnh vực nâng cao hiệu quả lao động), cải thiện chất lượng thị trường lao động, tiêu chuẩn hóa đầu tư ở toàn liên bang, cải thiện hệ thống thuế.
Ngay tại diễn đàn, Tổng thống Putin đặt ra nhiệm vụ phải thành lập được thị trường vốn trong thời gian tới, cùng nhiều nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng dễ tổn thương, sử dụng quỹ đất hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp trẻ... Ông nhấn mạnh đến năm 2030, tỷ trọng nhập khẩu ở Nga sẽ giảm xuống 17% từ mức 19% của năm 2023.
Về thương mại quốc tế, Tổng thống Putin khẳng định, bất chấp mọi trở ngại và lệnh trừng phạt, Nga vẫn là một trong những nước tham gia chính vào thương mại thế giới. Các quốc gia thân thiện với Nga ngày nay đã chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của nước này. Nga cũng tiếp tục hợp tác hiệu quả với các đối tác trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Ông tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục cải thiện tính an toàn và hiệu quả của các giao dịch bằng đồng nội tệ, trong đó thông qua Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Ông đề cao vai trò của BRICS, cho biết khối đang xúc tiến xây dựng hệ thống thanh toán độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây, không chịu sức ép chính trị, không bị lợi dụng và bị can thiệp từ bên ngoài. Ông khẳng định BRICS có tiềm năng để mở rộng và Nga luôn hoan nghênh các nước tham gia liên minh này.
Một trong những định hướng để Nga phát triển thương mại quốc tế là xây dựng và cải tạo các tuyến đường vận tải xuyên lục địa. Trong đó về hướng Đông, Trung Quốc, ở các nước châu Á-Thái Bình Dương, Nga ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt phía Đông. Ngoài ra quy hoạch phát triển hành lang quốc tế Bắc-Nam đã được phê duyệt.
Tuyến đường biển phía Bắc của Nga đang trở thành huyết mạch quan trọng nhất thế giới. Hiện tại có khoảng 30 triệu tấn hàng hóa đi qua đó và trong tương lai sẽ tăng lên hơn 150 triệu tấn. Các tuyến đường vận tải này được tiến hành trong khuôn khổ các dự án quốc gia mà Nga đã thông qua.
Ông Putin kết thúc bài phát biểu bằng khẳng định Nga cởi mở trước bất kỳ thảo luận nào nếu nó có ích cho nền kinh tế nước này.
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg diễn ra từ ngày 5-8/6. Năm nay, diễn đàn thu hút 12.000 đại biểu tham dự, đại diện cho hơn 100 nước. Hiện chưa có con số thống kê về tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết tại diễn đàn, song thành phố chủ nhà St. Petersburg tuyên bố đã ký kết được các hợp đồng trị giá 1.200 tỷ ruble (13,5 tỷ USD)./.