Tổng thống Brazil: Ai quyết định USD là loại tiền mang tính toàn cầu?

Trung Quốc và Brazil dự kiến sẽ chính thức ký kết thỏa thuận đẩy mạnh sử dụng đồng real và đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại song phương, với mục đích giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD.

Nhân viên kiểm đồng USD tại một ngân hàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã lên tiếng chỉ trích việc sử dụng đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Phát biểu tại lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (2011-2016) với tư cách là tân Chủ tịch của Ngân hàng phát triển mới (NDB), ông Lula nhấn mạnh: “Tại sao tất cả các quốc gia bắt buộc phải thực hiện giao dịch thương mại bằng đồng USD? Ai đã quyết định rằng đồng USD là loại tiền tệ mang tính toàn cầu?”

[Chuyên gia: Vai trò của đồng USD sẽ giảm xuống trong 10 năm tới]

Ngoài ra, nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này cho rằng ngân hàng NDB cần phải có một loại tiền tệ của riêng mình nhằm tài trợ cho các giao dịch thương mại giữa Brazil và các thành viên khác trong khối BRICS.

Trong chuyến công du của ông Lula da Silva tới Bắc Kinh, Trung Quốc và Brazil dự kiến sẽ chính thức ký kết thỏa thuận đẩy mạnh sử dụng đồng real và đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại song phương, với mục đích giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD.

NDB thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - bao gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc).

NDB là ngân hàng phát triển đa phương nhằm huy động các nguồn lực cho những dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại các quốc gia thuộc BRICS, cũng như những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), BRICS tập hợp các nền kinh tế mới nổi chủ chốt trên thế giới, chiếm 41% dân số thế giới, 24% tổng GDP toàn cầu và hơn 16% thương mại thế giới./.

(Vietnam+)