Tổng Bí thư: Luật Nhà giáo 'cần giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò'

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 9/11, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Cần giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Nhà giáo, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Tham gia thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh với định hướng của Đảng, chúng ta cần quán triệt sâu sắc vị trí của người thầy, do đó xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy, chủ thể chính của dự thảo luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Với tinh thần đó, Tổng Bí thư cho rằng xây dựng Luật Nhà giáo cần giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò. Tổng Bí thư cho biết chính sách của chúng ta là phổ cập giáo dục theo từng cấp học, trẻ em đến tuổi được đi học phải được đến trường, tiến tới phổ cập trung học. Không thể có học trò mà không có thầy, vì vậy cần quy định rõ trong luật nội dung này.

Cùng với đó, theo Tổng Bí thư, cần có phương án để biết rõ trong xã, trong huyện, trong khu phố, trong phường, trong thành phố năm nay sẽ có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học, như vậy, sẽ chủ động bố trí đủ thầy cô.

Đặt vấn đề giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hội nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu câu hỏi về tính chủ động hội nhập của nhà giáo cũng như việc giảng viên nước ngoài giảng dạy ở Việt Nam có phải chấp hành các quy định của Luật Nhà giáo hay không?

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý chính sách học tập suốt đời cần được quy định trong dự thảo luật, không thể quy định thô cứng theo kiểu giáo sư đến tuổi nghỉ hưu không còn là nhà giáo, không tham gia giảng dạy nữa. Nếu quy định như vậy sẽ không huy động được nguồn lực.

Đồng thời, cần khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy, nhất là tại một số môi trường rất đặc biệt như trong trại giam hay giáo viên công tác tại miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghi khi xây dựng Luật Nhà giáo cần có các quy định tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy, tránh tình trạng sau khi luật ban hành lại khó khăn hơn trong việc chấp hành các quy định của luật.

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chính sách thu hút nguồn nhân lực trong ngành giáo dục. Đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) đề nghị bổ sung 2 đối tượng, đó là: những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên. Những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể và khả thi đối với nhà giáo ngoài công lập. Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định đội ngũ nhà giáo phải đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, song kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập chưa rõ ràng.

Khẳng định nhà giáo là đối tượng đặc thù, cần được quan tâm nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết hiện nay, đang có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, phân bổ chỉ tiêu giáo viên theo dân số ở địa phương.

Do đó, đại biểu đề xuất dự thảo Luật Nhà giáo nên có quy định giao việc tuyển chọn giáo viên cho ngành giáo dục ở các địa phương; đồng thời đề nghị việc giảm biên chế cũng cần xem xét để đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt nhất.

Bảo đảm quyền lợi của người lao động

Cũng tại thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến phát biểu thể hiện đồng tình với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Thảo luận về bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đánh giá cao việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.

Dự thảo Luật quy định giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Duy Khánh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dự thảo Luật cũng giao cho Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp quy định chi tiết mức đóng. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp.

Cho rằng hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay còn chưa thông suốt, chưa được quan tâm đầu tư, đại biểu Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng điều này dẫn đến sự đứt gãy thông tin thị trường lao động hoặc thông tin về các lĩnh vực, ngành, nghề mà người lao động mong muốn làm việc, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp, thông tin tuyển dụng...

Đại biểu đề nghị thông tin thị trường lao động cần công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề và cấp trình độ. Về đăng ký lao động, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đăng ký lao động...

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) lưu ý đối tượng người cao tuổi có đặc thù riêng nên chính sách hỗ trợ cũng cần có sự khác biệt. Dự thảo Luật cần có những quy định khuyến khích, phát huy được trình độ, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới ngưỡng “dân số già”./.