"Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
Chủ tịch Quốc hội mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò.
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), chiều tối 20/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học, loại hình đào tạo, về cơ bản đều có tư cách đạo đức, phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt.
Để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu,” trong những năm qua, ngành Giáo dục đã không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Quốc hội Luật Nhà giáo và xem đây giải pháp quan trọng về mặt thể chế để phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đã được ban hành và tổ chức thực hiện trong thực tế.
Cùng với sự chăm lo của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của toàn xã hội, đội ngũ nhà giáo đã có bước phát triển lớn mạnh, với nhiều nhà giáo giỏi, tận tâm với nghề. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã nỗ lực, sáng tạo đóng góp to lớn cho sự nghiệp "trồng người", nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo.
Quốc hội nhiều khóa luôn có nhiều đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 115 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục). Với sự tâm huyết, yêu nghề và am hiểu thực tiễn sâu sắc, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn về những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo cả nước, đặc biệt là 115 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tự hào về những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự trăn trở: Việc thể chế hóa một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp.
Chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn còn nhiều bất cập. Tình trạng, thừa thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi, chưa được giải quyết căn cơ...
Nêu rõ, trong giai đoạn tới, chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các biện pháp vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng; phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để chăm lo cho đội ngũ học sinh.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, các địa phương quán triệt tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 18/11/2024 là mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng."
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp tục đóng góp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; giám sát việc tổ chức thực hiện của hệ thống chính quyền các cấp cũng như đóng góp vào các quyết định quan trọng của đất nước.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tặng hoa, quà lưu niệm tới các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục./.