Toàn văn Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 23/10, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu Toàn văn Báo cáo:

Phần 1: Tổng quan tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2023

"Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng!
Kính thưa các đồng chí chủ trì Phiên họp!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng!
Thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quốc tế và đồng bào, cử tri cả nước!

Theo chương trình Kỳ họp, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 77 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, tờ trình, trong đó có Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin trân trọng báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu như sau:

Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

I. BỐI CẢNH

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraina gay gắt, gần đây xảy ra xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm[1]; lạm phát neo ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao[2]; nợ công toàn cầu tăng mạnh[3]; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro[4]; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng.

[Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng]

Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển; tuy nhiên nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế[5]; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương.

II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội[6]; với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả,” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, Nhân dân, các tổ chức, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, doanh nghiệp, các địa phương; để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực[7] theo tinh thần chỉ đạo kết quả năm sau phải cao hơn năm trước của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; trong đó chỉ đạo giảm liên tiếp 04 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất[8]. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách[9]; thành lập 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, động viên, khích lệ kịp thời.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6,Quốc hội khóa XV. (Nguồn: TTXVN)

Tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế-xã hội; kiện toàn và bước đầu phát huy vai trò các Hội đồng Điều phối vùng. Tổ chức kịp thời nhiều hội nghị, cuộc họp linh hoạt phục vụ công tác chỉ đạo điều hành[10].

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, bền vững[11]; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các quy hoạch; thành lập 05 Tổ công tác, các đoàn công tác của Chính phủ đi khảo sát, nắm bắt thực tiễn, kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương[12].

Tập trung chỉ đạo xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm[13]; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề phức tạp phát sinh như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng năng lượng, vật tư, thuốc chữa bệnh, in sách giáo khoa...

Bám sát tình hình, quan tâm chỉ đạo kịp thời, thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, người có công[14], bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội[15]; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy hợp tác phát triển[16].

III. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu[17].

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ tại phiên khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

(TTXVN/Vietnam+)