Toàn bộ quá trình cấp e-visa được thực hiện qua phương tiện điện tử
Về thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Cổng Dịch vụ công Bộ Công an trong 3 ngày làm việc.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an, việc mở rộng diện cấp và nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, giảm bớt các thao tác đối với người đề nghị.
Chính sách này được nhiều cơ quan, tổ chức đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam, là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của Người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thời hạn thị thực điện tử sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ đã quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.
Luật cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Về thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh cho biết: người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch, tìm hiểu thị trường, đầu tư... chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức ở trong nước có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử mà không cần có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước mời, bảo lãnh.
"Toàn bộ quá trình từ đề nghị cấp thị thực điện tử đến xử lý, giải quyết cấp và nhận, in thị thực điện tử đều được thực hiện thông qua phương tiện điện tử. Việc nộp phí thị thực được thực hiện qua môi trường điện tử. Người nước ngoài có thể tự in thị thực thông qua hệ thống giao dịch điện tử, không phải làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế, không phải qua khâu trung gian" - Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh cho biết.
Về thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Cổng Dịch vụ công Bộ Công an trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh Việt Nam với các mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam và được phép chuyển đổi mục đích trong một số trường hợp như: có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Hồ sơ đề nghị cấp e-visa của người nước ngoài sẽ bị từ chối khi khai không đúng thông tin và thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh được quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ
Mới đây, ngày 14/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP, theo đó, Chính phủ quyết định cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.
[Du khách quốc tế quan tâm tới Việt Nam sau chính sách visa điện tử mới]
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của Người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23) có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, thị thực điện tử có thời hạn đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, áp dụng cho công dân các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Người nước ngoài được phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử qua 13 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.
Cụ thể, 13 cửa khẩu đường hàng không, gồm: Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Cần Thơ, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn, Thọ Xuân, Đồng Hới, Phù Cát, Liên Khương.
16 cửa khẩu đường bộ, gồm: Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên), Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai), Na Mèo (Thanh Hóa), Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), La Lay và Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum), Mộc Bài và Xa Mát (Tây Ninh), cửa khẩu đường bộ và đường sông Vĩnh Xương (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang).
13 cửa khẩu đường biển, gồm: Cửa khẩu Cảng Hòn Gai và Cẩm Phả (Quảng Ninh), Hải Phòng (thành phố Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Dung Quất (Quảng Ngãi), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Thành phố Hồ Chí Minh, Dương Đông (Kiên Giang)./.