Tòa nhà Thượng viện Pháp - Nơi những bức tường kể câu chuyện di sản
Tòa nhà Thượng viện Pháp, nay là một phần của Di sản Quốc gia, đã mở cửa đón công chúng đến với những câu chuyện về lịch sử hàng thế kỷ trước.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, nhân Ngày hội Di sản châu Âu thường niên, trong hai ngày 16-17/9, tại Pháp và hơn 40 quốc gia châu Âu khác, hàng chục nghìn di sản văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc... đã mở cửa cho công chúng tham quan.
Hưởng ứng chủ đề chính của năm nay là "Di sản Sống" và "Di sản Thể thao," tòa nhà Thượng viện Pháp, nay là một phần của Di sản Quốc gia, đã mở cửa đón công chúng đến với những câu chuyện về lịch sử hàng thế kỷ trước,
Phòng họp, phòng khánh tiết, phòng làm việc, thư viện và cả những phòng mang tên các nhân vật nổi tiếng như Hoàng đế Napoléon, nhà văn Victor Hugo hay nơi làm việc của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Thượng viện..., tất cả đều được mở cửa đón công chúng vào tham quan trong Ngày hội Di sản châu Âu.
[Pháp kêu gọi bảo tồn bền vững nhân ngày di sản châu Âu 2022]
Các nhân viên làm việc ở Thượng viện Pháp đều trở thành nhân viên lễ tân, hướng dẫn viên hoặc người trông coi di tích.
Họ tận tình phát tờ rơi giới thiệu tòa nhà, vui vẻ trả lời những thắc mắc của du khách.
Các video minh họa kể lại những câu chuyện liên quan tới lịch sử của từng căn phòng.
Khách tham quan, người lắng nghe và chăm chú ngắm nhìn với sự ngưỡng mộ và thán phục; người tranh thủ chụp ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc hiếm hoi được bước chân vào trụ sở của một trong những cơ quan quyền lực hàng đầu nước Pháp, đồng thời cũng là di sản được công nhận.
Tòa nhà Thượng viện Pháp thường được gọi với tên cũ là Cung điện Luxembourg, được khởi công xây dựng vào năm 1615 theo sáng kiến của Thái hậu Marie de Medicis và đã hoàn thành vào khoảng năm 1630.
Cung điện từng là dinh thự của nhiều quý tộc, vua chúa phong kiến Pháp, sau đó trở thành trụ sở của nhiều cơ quan quan trọng của nền Cộng hòa.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, sau nhiều lần được tu bổ và tôn tạo, từ năm 1958, cung điện Luxembourg trở thành trụ sở của Thượng viện Pháp, cơ quan bảo đảm cho sự ổn định của các thể chế, kiểm soát hành động của chính phủ, xem xét và thông qua các dự luật, đồng thời giám sát việc thực thi pháp luật.
Khởi nguồn từ sáng kiến của bộ Văn hóa Pháp được triển khai lần đầu tiên vào năm 1984, Ngày hội Di sản đã trở thành sự kiện lớn toàn châu Âu kể từ năm 1999, với tôn chỉ "Châu Âu, một di sản chung" do Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu đồng chủ trì.
Trong khuôn khổ Ngày hội Di sản châu Âu, những người quan tâm có cơ hội khám phá các địa điểm vốn thường đóng cửa với công chúng, như Phủ Tổng thống, Nhà Quốc hội, tòa Thượng viên, Tòa án, Tòa Thị chính, các thánh đường, nhà hát, lâu đài, hầm mộ cũng như các tư dinh, ngân hàng, hoặc thậm chí là phòng thương mại...
Theo Bộ Văn hóa Pháp, những ngày này cũng là cơ hội duy nhất để công chúng biết đến hoạt động của những người hằng ngày âm thầm bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thuộc nhà nước, hay của tư nhân, của các hiệp hội hay của chính quyền địa phương.
Sáng kiến tổ chức Ngày hội Di sản châu Âu đã được đông đảo công chúng và khách du lịch hưởng ứng. Riêng tại Pháp, ước tính các hoạt động này thu hút hơn 30 triệu khách mỗi năm.
Chủ đề chính của năm nay là "Di sản Sống" và "Di sản Thể thao."
"Di sản Sống" là những tập quán, biểu đạt, kiến thức, bí quyết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được tái tạo không ngừng như các bài hát, điệu múa, nghi lễ, lễ hội, bí quyết gắn với nghề thủ công truyền thống hoặc thậm chí cả những kiến thức gắn liền với thiên nhiên và vũ trụ.
Thể thao cũng được coi là một di sản sống và các di sản thể thao đã phát triển mạnh mẽ cùng với sự gia tăng các hoạt động thể thao, chủ yếu vào đầu thế kỷ 20.
Do Pháp sẽ đăng cai Olympic vào tháng 7/2024 nên năm nay "Di sản Thể thao" cũng được các nước châu Âu chọn làm chủ đề chính của Ngày hội Di sản./.