Tòa án Pháp bác yêu cầu trả lại kiệt tác "Mona Lisa"
Hiệp hội International Restitutions cho rằng Vua François I đã chiếm đoạt bức tranh nổi tiếng vào năm 1519, do đó, cần phải đưa bức họa ra khỏi bảo tàng Louvre và trả lại cho "chủ sở hữu hợp pháp."
Ngày 14/5, tòa hành chính cấp cao của Pháp đã bác bỏ yêu cầu của một hiệp hội tự xưng là đại diện cho những người thừa kế của danh họa Leonardo da Vinci đòi trả lại bức kiệt tác "Mona Lisa."
Hiệp hội mang tên International Restitutions (Hoàn trả Quốc tế) - không rõ trụ sở và người đứng đầu - cho rằng Vua François I đã chiếm đoạt bức tranh nổi tiếng thế giới vào năm 1519, do đó, cần phải đưa bức họa ra khỏi bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris và trả lại cho "chủ sở hữu hợp pháp."
Trong phán quyết ngày 14/5, tòa án Pháp khẳng định yêu cầu nói trên là bất hợp pháp, đồng thời tuyên phạt hiệp hội trên 3.000 euro (3.200 USD) vì "lạm dụng" quy trình pháp lý.
Phán quyết cũng nêu rõ tòa không xem xét các "quyết định" được đưa ra dưới chế độ quân chủ Pháp.
Danh họa Leonardo da Vinci vẽ bức chân dung "Mona Lisa" trong thời gian từ năm 1503-1506. Bức tranh này được đưa tới Pháp năm 1516 khi Vua François I mời Leonardo da Vinci từ Italy đến làm việc tại Clos Lucé gần lâu đài của nhà Vua ở vùng Amboise.
Khi rời Italy, Leonardo da Vinci mang theo một số bức tranh của mình, trong đó có bức họa "Mona Lisa." Những tác phẩm nghệ thuật này đã lọt vào bộ sưu tập của hoàng gia Pháp.
Bức "Mona Lisa" được lưu giữ tại bảo tàng Louvre từ năm 1797. Giám đốc bảo tàng Louvre cho biết trong năm 2023 bảo tàng này đón gần 9 triệu khách tham quan, 80% trong số đó đến trước bức chân dung "Mona Lisa" chiêm ngưỡng nụ cười bí ẩn của người phụ nữ trong tranh./.