Tình trạng rối loạn tâm lý hậu sang chấn gia tăng trong quân đội Israel
Các báo cáo gần đây cũng cho thấy hiện tượng kiệt sức trong lực lượng dự bị của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), khi một số người đã trải qua nhiều đợt chiến đấu kéo dài.
Theo phóng viên TTXVN tại Israel, trong nhiều năm, trước và trong cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv (TAU) đã theo dõi tỉ lệ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm lý hậu sang chấn (PTSD) ở các binh sỹ chiến đấu trong thời gian tại ngũ và sau khi giải ngũ.
Kết quả cho thấy chiến tranh đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng tâm lý, với 12% số người tham gia khảo sát báo cáo có triệu chứng PTSD ở mức nghiêm trọng.
Các báo cáo gần đây cũng cho thấy hiện tượng kiệt sức trong lực lượng dự bị của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), khi một số người đã trải qua nhiều đợt chiến đấu kéo dài.
Trong khi tỉ lệ tham gia lực lượng dự bị vượt 100% vào thời điểm đầu chiến sự, hiện nay con số này đã giảm xuống chỉ còn từ 75% đến 85%.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho sự sụt giảm này, bao gồm: ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của quân nhân dự bị; sự ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình và xã hội; sự bất mãn với bất công trong việc chia sẻ gánh nặng phục vụ quân ngũ, khi chỉ một bộ phận rất nhỏ dân số liên tục được triệu tập; và sự suy giảm động lực do chiến tranh kéo dài bất thường.
Một yếu tố quan trọng khác là sự suy giảm sức bền tinh thần của những binh sỹ phải trải qua các trải nghiệm chiến đấu ám ảnh, đặc biệt là những người xuất hiện triệu chứng PTSD nặng sau khi phục vụ trong cuộc xung đột Israel-Hamas.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi khoảng 580 binh sỹ được tuyển vào một lữ đoàn bộ binh của IDF vào tháng 3/2019, tức hơn 4 năm trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 7/10/2023 do Hamas thực hiện tại miền Nam Israel.
Theo Giáo sư Bar-Haim, các triệu chứng PTSD đã từng được ghi nhận ở binh sỹ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur cách đây gần 52 năm và ở binh lính Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, Afghanistan trước đây và nhiều nơi khác. Dù thời gian chiến tranh khác nhau, tỉ lệ xuất hiện triệu chứng PTSD lại tương đương.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ binh sỹ có triệu chứng PTSD ở mức nghiêm trọng tăng dần theo thời gian phục vụ. Khi mới nhập ngũ, chưa đến 0,5% có tiền sử PTSD.
Sau 18 tháng (gồm 6 tháng huấn luyện và 9 tháng tác chiến), tỷ lệ này tăng lên 2,6%. Giai đoạn cuối nghĩa vụ, con số này là 4,4%. Sáu tháng sau khi giải ngũ – dù kỳ vọng các triệu chứng sẽ thuyên giảm – thì gần 8% báo cáo mức độ triệu chứng lâm sàng.
Đặc biệt, giai đoạn này không có chiến tranh hay chiến dịch quân sự quy mô lớn, cho thấy ngay cả trong thời kỳ "bình thường," nguy cơ tổn thương tâm lý ở binh sỹ vẫn hiện hữu.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Xung đột Israel-Hamas làm gia tăng thêm tỷ lệ PTSD, với khoảng 12% người tham gia nghiên cứu báo cáo các triệu chứng ở mức độ lâm sàng. Điều này hoàn toàn không bất ngờ, và phù hợp với dữ liệu từ các đội quân khác từng tham chiến trong các cuộc chiến cường độ cao.”
Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng hệ thống sức khỏe tâm thần của Israel đang trong tình trạng khẩn cấp. Các nhà hoạch định chính sách cần có hành động cấp bách để thiết kế những giải pháp lâu dài nhằm điều trị cho số lượng lớn cựu binh mắc PTSD./.