Tỉnh Tây Ninh thiếu 1.190 giáo viên trước thềm năm học mới
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, tổng số nhu cầu giáo viên các cấp học hiện nay của tỉnh đang cần là 11.683 giáo viên, nhưng tỉnh hiện chỉ có 10.493 giáo viên, kể cả tuyển dụng mới.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành áp dụng cho năm học 2022-2023 đối với các cấp học (khối tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên) thống nhất thời gian tựu trường là ngày 22/8.
Riêng khối mầm non tựu trường ngày 29/8, toàn bộ các cấp học sẽ đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9.
Tuy nhiên, trước thềm năm học mới, toàn tỉnh Tây Ninh hiện đang thiếu 1.190 giáo viên ở các cấp học.
Cụ thể, theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, tổng số nhu cầu giáo viên các cấp học hiện nay của tỉnh đang cần là 11.683 giáo viên. Nhưng Tây Ninh hiện chỉ có 10.493 giáo viên, kể cả tuyển dụng mới.
Tại Tây Ninh, cấp mầm non hiện có 1.761 giáo viên. Nếu xác định theo nhu cầu giáo viên tại định mức quy định ởThông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Nội vụ thì Tây Ninh đang thiếu 529 giáo viên mầm non.
Nếu xác định nhu cầu giáo viên theo định mức Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cấp tiểu học hiện thiếu 191 người; cấp trung học cơ sở hiện thiếu 265 giáo viên và cấp trung học phổ thông thiếu 205 giáo viên.
Lý giải nguyên nhân thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, Phạm Ngọc Hải cho biết: Thời gian vừa qua, việc tuyển dụng viên chức mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tuyển dụng. Bởi theo quy định, tiêu chuẩn tuyển viên chức mầm non phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, viên chức tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học trở lên.
[Tuyển dụng gần 28.000 giáo viên bổ sung cho năm học 2022-2023]
Trong khi đó, chế độ tiền lương của giáo viên mầm non hiện đang rất thấp.
Ông Phạm Ngọc Hải dẫn chứng hệ số tiền lương của giáo viên mầm non tốt nghiệp hệ cao đẳng sau khi tuyển dụng có hệ số là 2,1. Tức tiền lương thực lĩnh khoảng 3 triệu đồng (bao gồm khoản phụ cấp và số tiền trích ra để đóng Bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, áp lực công việc của giáo viên mầm non là rất lớn, thời gian ở trường lên đến 10 giờ/ngày.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, trước đây, ngoài số giáo viên được đào tạo tại tỉnh, còn có nguồn giáo viên từ các tỉnh bạn. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây, hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên, nên có rất ít giáo viên từ nơi khác đăng ký tham gia dự tuyển.
Một nguyên nhân khác là theo quy định của Chính phủ, công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ được ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp về huyện thực hiện. Do đó, các huyện vùng sâu, biên giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng.
“Người tham gia tuyển dụng thường chọn các trường ở vùng thuận lợi để đăng ký tham gia tuyển dụng. Nếu không có chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, biên giới thì khó có thể đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên để giảng dạy,” ông Hải nhấn mạnh.
Trước tình trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho hay, sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, các ngành, các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên. Theo đó, những sinh viên sư phạm tham gia lớp đào tạo này (có cam kết ra trường về phục vụ lại địa phương) sẽ được tỉnh hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh hiện đang xây dựng đề án, chính sách thu hút, hỗ trợ các bậc học, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực trong danh mục cần thu hút, hỗ trợ đào tạo để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh trình ra Hội đồng Nhân dân tỉnh trong kỳ họp sắp tới.
Cụ thể, các bậc học được hưởng chính sách thu hút dự kiến gồm: Giáo viên mầm non thuộc các địa phương thiếu giáo viên; giáo viên các bậc phổ thông thuộc các môn đang thiếu như tin học, ngoại ngữ, môn tích hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, giáo dục địa phương, công nghệ…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh Phạm Ngọc Hải cũng đưa ra các giải pháp “chữa cháy” cho tình trạng thiếu giáo viên hiện nay như: Cho ký hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên ở các ngành khác nhưng có ngành đào tạo gần với ngành sư phạm và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Những giáo viên này được tham gia giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh./.