Tỉnh Kon Tum nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị nguyên bản của nhà Rông
Tỉnh Kon Tum đẩy mạnh phục dựng nhà Rông truyền thống, cũng như tổ chức lễ mừng nhà Rông mới theo đúng nghi lễ, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị nguyên bản của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên.
Từ xa xưa, trong văn hoá, tín ngưỡng, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên nói chung, tại Kon Tum nói riêng không thể thiếu nhà Rông.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, vì nhiều lý do như khó khăn trong công tác quản lý, thiếu các vật liệu xây dựng,… mà nhà Rông truyền thống gần như không còn. Thay vào đó là các nhà Rông văn hóa được xây dựng bằng các vật liệu hiện đại.
Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mai một về văn hóa, mà còn khiến bà con không còn quá mặn mà với việc đến nhà Rông sinh hoạt.
Thấu hiểu được điều này, các ngành chức năng tỉnh Kon Tum đang phối hợp với các địa phương và người dân xây dựng lại các căn nhà Rông truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị nguyên bản của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Niềm vui từ nhà Rông truyền thống
Những ngày này, cộng đồng người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) thuộc làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy đang vui mừng sinh hoạt cộng đồng bên nhà Rông mới.
Trước đây, làng Đăk Đe với 204 hộ dân, trên 880 nhân khẩu sinh hoạt cộng đồng tại nhà Rông văn hóa, được xây dựng từ các vật liệu cả tự nhiên lẫn nhân tạo, với những chiếc cột hay cầu thang đi lên nhà Rông làm từ bêtông, mái lợp tôn,…
Dù vẫn đảm bảo về mặt cấu trúc, nhưng do không đúng về chất liệu, khiến không ít bà con trong làng không muốn đến nhà Rông văn hóa để sinh hoạt cộng đồng.
Được sự hỗ trợ gần 100 triệu đồng từ Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Bảo tàng-Thư viện tỉnh Kon Tum triển khai, cuối năm 2023, dân làng Đăk Đe đã cùng nhau họp bàn, phân công nhiệm vụ cho từng hộ gia đình, từng cá nhân tìm các nguyên, vật liệu về để dựng nhà Rông.
Già A Thiu (sinh năm 1950) là một trong 4 già làng của làng Đăk Đe. Để bà con trong làng cùng “đồng tâm hiệp lực” trong việc xây dựng nhà Rông truyền thống, già đã tập hợp người dân trong làng, phân công công việc cụ thể.
Để có được các nguyên vật liệu làm nhà Rông, những người đàn ông lực lưỡng nhất của làng sẽ lên rừng, tìm tre, nứa để làm vách; những người phụ nữ có sức khỏe sẽ cùng nhau đi cắt cỏ tranh để lợp mái. Các trụ sẽ được tận dụng từ gỗ có sẵn để dựng nhà.
“Mình và những già làng, người có uy tín trong làng đã căn dặn những người đi lấy nguyên vật liệu chỉ được khai thác một phần, đảm bảo không để các nguyên vật liệu từ tự nhiên bị mất vĩnh viễn. Tre, nứa, dây mây hay cỏ tranh đều chỉ được khai thác một phần, không được chặt hay cắt hết. Có như vậy, cây cỏ mới tiếp tục sinh sôi, phát triển, để những năm sau làng còn vùng nguyên liệu để sửa nhà Rông,” già A Thiu nói.
Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Rờ Kơi cho biết hiện nay trên địa bàn xã, bà con trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã xây dựng được ba nhà Rông bằng các chất liệu tự nhiên, truyền thống.
Sau khi nhà Rông được xây dựng xong, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Chi bộ thôn, các tổ chức đoàn thể thôn, đặc biệt là già làng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động bà con trong các thôn đến tham gia sinh hoạt văn hóa tại nhà Rông, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Lăng.
Trong khi đó, Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum có hơn 190 hộ người dân tộc thiểu số Bahnar sinh sống.
Nhà Rông truyền thống nằm giữa làng được xem là “linh hồn” của làng, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa lớn. Tuy nhiên, do lâu ngày, nhà Rông đã bị hư hỏng. Vì vậy, đầu năm 2024, bà con trong làng đã cùng nhau sửa lại nhà Rông.
Già A Ngửi, Già làng Kon Jơ Dri cho biết để thực hiện sửa nhà Rông, các già làng đã tổ chức họp bà con dân làng lại, chia tổ để các hộ tự đi tìm nguyên vật liệu như tre, nứa, cỏ tranh,…
Với tinh thần trách nhiệm, yêu văn hóa truyền thống, bà con ở làng Kon Jơ Dri đã không ngại khó khăn, vượt hàng chục cây số để tìm kiếm vật liệu và đóng góp hơn 2.000 ngày công để sửa chữa lại nhà Rông.
Đến nay, nhà Rông truyền thống của làng đã hoàn thành việc sửa chữa. Ông Xavier, du khách từ Pháp đến với làng Kon Jơ Dri dịp Tết Nguyên đán, chia sẻ đây là lần đầu tiên ông đến với Kon Tum, được tham quan, trải nghiệm các nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số bản địa.
Ông Xavier cho biết, những căn nhà Rông truyền thống tạo cho ông rất nhiều ấn tượng, cách bà con dân làng làm cũng đặc biệt và thể hiện một giá trị văn hóa rất độc đáo. Nếu có dịp, ông sẽ đưa các bạn người Pháp tiếp tục đến với Kon Tum.
Khẳng định giá trị
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết nằm trong các hoạt động của Bảo tàng-Thư viện tỉnh, Lễ mừng nhà Rông mới được đưa vào danh sách các lễ hội cần được bảo tồn và phát huy.
Tuy nhiên trước đây, do điều kiện không cho phép nên cộng đồng các dân tộc thiểu số đã phải sử dụng nhà Rông văn hóa, được xây bằng các vật liệu như gạch, đá, ximăng, mái lợp tôn… nên việc triển khai các hoạt động xung quanh nhà Rông gặp nhiều khó khăn. Phần lớn đến từ việc bà con trong cộng đồng không mặn mà với nhà Rông kiểu mới.
Để thực hiện công tác phục dựng nhà Rông truyền thống, Bảo tàng-Thư viện tỉnh Kon Tum đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con dân làng, phát huy tính cộng đồng của bà con dân làng trong việc phục dựng lại những căn nhà Rông truyền thống.
Điều vui mừng là bà con dân làng đã tích cực tham gia, mỗi người một việc để nhà Rông truyền thống được hoàn thành. Mọi người trong làng rất vui mừng, Bảo tàng- Thư viện tỉnh đã tổ chức Lễ mừng nhà Rông mới theo đúng nghi lễ truyền thống của người dân tộc thiểu số bản địa.
“Nhà Rông truyền thống không chỉ là nơi sinh hoạt của các cộng đồng dân tộc thiểu số, mà bà con còn mang đến nhà Rông những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc như vải dệt, nhạc cụ, trang sức, xương thú... để trang trí. Đây là những thứ mà bà con sẽ không mang đến nhà Rông văn hoá xây dựng bằng các chất liệu nhân tạo.
Lễ mừng nhà Rông mới có thành công hay không, có thực sự thể hiện được niềm vui của bà con hay không, chính là nhờ phần lớn từ những điều này. Qua đó, càng thể hiện được vai trò của nhà Rông truyền thống trong bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số “ - bà Đỗ Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đến nay, trong tổng số 503 làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có 479 nhà Rông, nhà sàn cộng đồng; trong đó có 221 nhà sử dụng nguyên liệu truyền thống để xây dựng như gỗ, tre, mái lợp tranh,…
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khẳng định nhà Rông truyền thống là một trong những di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Việc bảo tồn, phục dựng nhà Rông truyền thống hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho các di sản, giá trị văn hóa gắn liền với nhà Rông được gìn giữ, phát huy, đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian, cồng chiêng, múa xoang...
Hiện nay, bên cạnh việc bà con nhân dân chủ động vào rừng tìm các nguyên vật liệu để làm nhà Rông truyền thống, thì ở một số địa phương trong tỉnh đã quy hoạch các khu, vùng nguyên liệu.
Ví dụ như tại huyện Đăk Glei, có bốn vị trí quy hoạch vùng nguyên liệu cỏ tranh, năm vị trí quy hoạch song mây, tre nứa. Các vùng quy hoạch này sẽ đảm bảo đủ nguyên liệu cho bà con trong việc xây dựng mới hoặc tu sửa hàng năm đối với nhà Rông truyền thống, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nhà Rông truyền thống - hồn cốt của văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa ở khu vực Tây Nguyên nói chung, tại Kon Tum nói riêng./.