Tình hình khu vực Trung Đông đang trở nên căng thẳng chưa từng có
Khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng chưa từng có sau 2 vụ ám sát xảy ra chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ, nhằm vào hai quan chức cấp cao của phong trào Hamas tại Gaza và lực lượng Hezbollah ở Liban.
Tình hình khu vực Trung Đông đang trở nên căng thẳng chưa từng có sau hai vụ ám sát xảy ra chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ, nhằm vào hai quan chức cấp cao của phong trào Hamas tại Dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Liban.
Hamas xác nhận lãnh đạo chính trị của phong trào này Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một cuộc không kích rạng sáng 31/7 tại thủ đô Tehran, sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran.
Trong khi đó, quân đội Israel thông báo Fuad Shukr, chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah và là cánh tay phải của thủ lĩnh Hassan Nasrallah, đã tử vong khi Israel đêm 30/7 không kích vào miền Nam thủ đô Beirut của Liban sau cuộc tấn công tại Cao nguyên Golan hồi tuần trước.
Các vụ việc xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas kéo dài đã gần 10 tháng, khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng ở Dải Gaza và 1.400 người thiệt mạng ở Israel.
Cùng với đó là các cuộc giao tranh diễn ra gần như mỗi ngày giữa Israel và Hezbollah, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 530 người tại Liban và 47 người tại Israel. Một loạt diễn biến mới leo thang phát đi những cảnh báo nguy hiểm đối với khu vực chưa bao giờ ngơi tiếng súng này.
Trong những phản ứng đầu tiên, Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Khamenei tuyên bố "bổn phận" của Iran là phải trả thù.
Theo tờ New York Times, nhà lãnh đạo này đã ra lệnh "tấn công trực tiếp vào Israel." Về phần mình, thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah cũng tuyên bố các vụ ám sát đã vượt qua "lằn ranh đỏ" khiến cuộc chiến giữa hai bên đã “bước sang giai đoạn mới."
Một số tờ báo đưa tin đại diện của các lực lượng Hamas ở Gaza, Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), Houthi ở Yemen, lực lượng Hezbollah ở Liban và các nhóm kháng chiến ở Iraq đã tham gia một cuộc họp ở Tehran thảo luận biện pháp trả đũa Israel. Phong trào Hamas cũng kêu gọi người dân ở các vùng lãnh thổ của Palestine tham gia “ngày thịnh nộ” chống Israel, diễn ra ngay sau lễ cầu nguyện của thứ Sáu, ngày 2/8.
Dự báo được những phản ứng của các đối thủ, Israel cũng đưa ra những tuyên bố đầy cứng rắn. Trong bài phát biểu trước toàn dân được phát đi trên truyền hình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đã sẵn sàng “cho mọi kịch bản, đồng thời cảnh báo "Israel sẽ khiến cho bất kỳ hành vi xâm lược nào cũng phải trả một cái giá đắt."
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Gaza, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ quan chức cấp cao của các quốc gia và thực thể đối địch với Israel bị ám sát. Hồi tháng 1/2024, Saleh al-Arouri, một quan chức cấp cao của Hamas tử vong trong vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Israel nhằm vào Liban.
Tháng 4/2024, vụ tấn công nhằm vào khuôn viên Đại sứ quán Iran tại Syria cũng khiến một chỉ huy cấp cao của Iran thiệt mạng. Vụ việc này đã dẫn đến cuộc đối đầu công khai đầu tiên giữa Israel và Iran sau nhiều năm hai bên được cho đang tham gia "cuộc chiến trong bóng tối."
Tuy nhiên, theo giới phân tích, vụ ám sát ông Haniyeh là một đòn giáng mạnh với Hamas về mặt chiến lược. Là nhân vật nổi tiếng, lãnh đạo các hoạt động chính trị của phong trào Hamas từ bên ngoài, mất ông Haniyeh đồng nghĩa với Hamas mất đi nhân vật chính trị công khai, có thể là một bước thụt lùi lớn đối với các hoạt động quốc tế của lực lượng này.
Cái chết của nhân vật quan trọng như ông Haniyeh có thể không tác động đáng kể đến hoạt động quân sự của Hamas nhưng mang ý nghĩa biểu tượng đối với phong trào này. Ngoài ra, địa điểm và thời gian xảy ra vụ ám sát lần này rất nhạy cảm.
Ông Haniyeh đến thủ đô Tehran để tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Iran. Đây có thể xem là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đánh thẳng vào Iran về mặt biểu tượng.
Thêm vào đó, vụ ám sát ông Haniyeh được cho sẽ cản trở tiến trình đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas. Dù đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn và có 3 người con trai thiệt mạng trong các vụ tấn công của Israel tại Gaza, ông vẫn được xem là một nhà lãnh đạo ôn hòa và thực dụng so với các lãnh đạo khác của Hamas. Ông vẫn tham gia nhiều hoạt động ngoại giao con thoi trong khu vực nhằm thúc đẩy đàm phán ngừng bắn, thông qua vai trò trung gian của Qatar.
Adeeb Ziadeh, chuyên gia về Palestine tại Đại học Qatar, đánh giá: “Ông Haniyeh là người dẫn dắt cuộc đấu tranh chính trị của Hamas với chính phủ các nước Arab, và ông có mối quan hệ gần gũi với các lãnh đạo chính trị cứng rắn và lãnh đạo quân sự của nhóm này."
Thủ tướng Qatar, Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho rằng các vụ ám sát nhân vật chính trị và tấn công dân thường ở Gaza đã cản trở các nỗ lực trung gian đàm phán.
Đó là với Hamas và Iran. Với lực lượng Hezbollah tại Liban, cái chết của chỉ huy quân sự cấp cao nhất Fuad Shukr cũng tiềm ẩn những đòn đáp trả nhằm vào Israel. Không phải vô cớ quân đội Israel được đặt trong tình trạng “cảnh giác cao độ."
Chính quyền và người dân Israel hiểu rằng khác với Hamas, Hezbollah là một thực thể quân đội phi nhà nước mạnh nhất thế giới, với kho tên lửa lên tới 150.000 quả. Gần đây, phong trào này đã vài lần cho thấy sự tiến bộ mạnh mẽ về công nghệ tác chiến và vũ khí hiện đại. Hơn nữa, các vụ ám sát hai nhân vật cấp cao của Hezbollah và Hamas xảy ra trùng thời điểm và cũng chưa lâu sau vụ tấn công của phong trào Houthi tại Yemen nhằm vào thành phố Tel Aviv. Cộng với tuyên bố trả đũa của Iran, có thể nói Israel đang trong thế “tứ bề thọ địch."
Tuy nhiên, bất chấp những phát ngôn cứng rắn, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên đều không muốn “kích hoạt” một cuộc đối đầu toàn diện. Israel có nguy cơ sa lầy ở Dải Gaza. Iran và Hezbollah đều có những khó khăn nội bộ cần tập trung giải quyết.
Giới phân tích cho rằng cũng giống như các đợt xung đột trước, vòng đối đầu trả đũa lần này vẫn có thể được khống chế, trừ phi lại tiếp tục xảy ra một tính toán sai lầm như vụ tấn công vào Cao nguyên Golan khiến 12 trẻ em Israel thiệt mạng.
Ông Ori Goldberg, nhà bình luận chính trị người Israel, cho rằng khó có khả năng nảy sinh một cuộc chiến toàn diện. Ông nhấn mạnh: “Không ai muốn chiến tranh." Bản thân Israel đang phải căng mình với bất ổn trong nước và cuộc chiến chưa thấy hồi kết tại Gaza, phải dàn trải các nguồn lực, trong khi Hezbollah đối mặt với tình thế khó khăn tại Liban và cả nguy cơ mất quyền lực nếu chiến tranh nổ ra.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sỹ Harel Chorev - Chuyên gia về Palestine, Viện Moshe Dayan nghiên cứu Trung Đông và châu Phi, Đại học Tel Aviv đánh giá nếu tình hình tiếp tục leo thang hơn nữa, Israel tất nhiên sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề, nhưng cũng sẽ xảy ra thiệt hại tương tự đối với Liban, Yemen hoặc với Iran.
Trước nguy cơ cả khu vực Trung Đông biến thành một “lò lửa," các nước đang dồn lực chạy đua ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu giữa Israel với Hamas và Hezbollah lan rộng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi “tất cả các bên” chấm dứt hành động leo thang và chấp nhận một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Liên đoàn Arab, Trung Quốc, Jordan, Ai Cập... kêu gọi các bên kiềm chế, cảnh báo hậu quả tàn khốc của một cuộc chiến khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ nước này vẫn tin tưởng về một kịch bản "khả thi," theo đó Hamas và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt hơn 9 tháng xung đột tại Dải Gaza.
Ông Kirby nhận định: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tiến trình này bị phá vỡ hoàn toàn… và vẫn tin rằng thỏa thuận trên bàn đàm phán đáng để theo đuổi." Để chấm dứt hoàn toàn vòng xoáy xung đột cho Trung Đông, một lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin tại Dải Gaza là cần thiết hơn bao giờ hết.
Liệu khu vực Trung Đông có tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện gây tổn thất cho tất cả các bên hay không, điều đó sẽ phụ thuộc vào quy mô phản ứng của Hezbollah, Hamas và Iran, cũng như động thái của chính Israel. Đây sẽ là vấn đề tất cả các bên phải cân nhắc, tính toán./.