Tinh gọn bộ máy - Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể

Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 18 với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội vào sáng 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tinh gọn bộ máy chính trị phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế.

Muốn làm được việc này thì phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy. Đã gọi là "một cuộc cách mạng" thì công việc ấy phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đến từng chi bộ, đảng viên thực hiện.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ là một phần của cuộc cách mạng đó. Điều này không chỉ góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn mà còn nhằm khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, chia cắt không gian phát triển.

Ngày 17/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 972/CĐ-TTg về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2025, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra.

Trong giai đoạn 2019-2021, trên cả nước đã có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại, qua đó 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã được cắt giảm.

Trong số này khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Có 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã được tinh giản biên chế; việc chi ngân sách nhà nước giảm hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2023-2025, theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp gồm các đơn vị đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN)

Trong giai đoạn 2026-2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp sẽ gồm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong giai đoạn 2023-2025 có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp lại.

Dự kiến, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là khoảng 2.500 người, ở cấp xã là khoảng 27.900 người, còn số cán bộ không chuyên trách dôi dư ở cấp xã là khoảng 16.000 người.

Theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp lại đơn vị hành chính thì việc sáp nhập một số huyện, xã là để tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng cường liên kết vùng, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý nhà nước.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn tạo ra sự cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là giảm bao nhiêu phần trăm cơ sở và biên chế mà là rà soát lại cơ cấu tổ chức, làm lại hệ thống vị trí việc làm, để từ đó, xác định cần bao nhiêu người ở lại là đủ.

Trong giai đoạn 2019-2021 việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp lại đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân, không phát sinh khiếu nại, tố cáo, trật tự xã hội được bảo đảm.

Sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, phức tạp, phải thực hiện trong thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, có tính nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Do đó, ngày 11/11/2024, tại trụ sở Trung ương Đảng, làm việc với Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng của Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 18 với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước./.