Tỉnh Bình Định thu hút doanh nghiệp Đức đầu tư vào điện gió ngoài khơi

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng mong muốn Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth tiếp tục cùng tỉnh thúc đẩy dự án điện gió ngoài khơi đi đến thành công.

Quang cảnh buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Bình Định)

Ngày 30/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức tiếp xã giao, làm việc với bà Helga Margarete Barth, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) và đại diện Tập đoàn PNE (Đức).

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã thông tin đến đoàn về tình hình phát triển kinh tế xã hội, những tiềm năng, lợi thế cũng như các chính sách của tỉnh trong việc thu hút đầu tư, nhất là các tỉnh của nước Đức.

Theo Bí thư Hồ Quốc Dũng, tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt với bờ biển dài 134km rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi. Dự án điện gió ngoài khơi từng được cả hai bên quyết tâm xây dựng và thực hiện từ năm 2019. Bình Định luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng mong muốn Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth tiếp tục cùng tỉnh thúc đẩy dự án điện gió ngoài khơi đi đến thành công; đồng thời mong Đại sứ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư của Đức đến với Bình Định cũng như tiếp tục theo dõi, ủng hộ tỉnh Bình Định trong thời gian tới.

Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth cho rằng tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng, lợi thế. Tỉnh đã và đang là điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư từ Cộng hòa Liên bang Đức.

Đại sứ Helga Margarete Barth cam kết sẽ làm cầu nối, giới thiệu các nhà đầu tư Đức đến tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại tỉnh; đồng thời cam kết đồng hành, ủng hộ tối đa để Tập đoàn PNE triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định.

Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Peter Kompalla cũng cam kết sẽ thúc đẩy và hỗ trợ tỉnh Bình Định thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực từ Cộng hòa Liên bang Đức đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh.

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel, hai nước ký Tuyên bố chung tại Hà Nội về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vì tương lai.

Sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, quan hệ Việt Nam-Đức không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển ngày càng tốt đẹp.

Toàn tỉnh Bình Định có 91 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,19 tỷ USD của các doanh nghiệp đầu tư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số đó, có 4 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp Đức, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 60,5 triệu USD đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương.

Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nổi bật là dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn KURZ, vốn đầu tư 45,39 triệu USD, đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 (tháng 9/2023).

Ngoài ra, tỉnh đang tích cực xúc tiến các thủ tục liên quan để Tập đoàn PNE sớm triển khai Dự án điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến là 2.000MW, vốn đầu tư 4,6 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 của các doanh nghiệp tỉnh Bình Định sang Đức ước đạt gần 48 triệu USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm sản phẩm từ chất dẻo, đồ dùng bằng gỗ, may mặc; trong đó sản phẩm từ chất dẻo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2024 từ Đức ước đạt hơn 4 triệu USD, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường này là máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng./.