Tín hiệu trái chiều từ hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc
Các nhà sản xuất đang đẩy mạnh đơn hàng trước khi các mức thuế mới được áp đặt từ nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu bất ngờ giảm do nhu cầu nội địa yếu.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong 15 tháng vào tháng Sáu.
Dữ liệu này cho thấy các nhà sản xuất đang đẩy mạnh đơn hàng trước khi các mức thuế mới được áp đặt từ nhiều đối tác thương mại của nước này. Trong khi đó, nhập khẩu bất ngờ giảm do nhu cầu nội địa yếu.
Số liệu hải quan được công bố ngày 12/7 cho thấy xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 8,6% về giá trị trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng dự báo 8% trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters và mức tăng 7,6% vào tháng Năm.
Trong khi đó, nhập khẩu giảm 2,3%, xuống mức thấp nhất trong bốn tháng, trái ngược với dự báo tăng 2,8%, cũng như mức tăng 1,8% trong tháng trước đó. Số liệu này cho thấy hoạt động tiêu dùng nội địa yếu.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 99,05 tỷ USD vào tháng Sáu, mức cao kỷ lục kể từ năm 1981, cao hơn dự báo 85 tỷ USD và 82,62 tỷ USD vào tháng Năm.
Xuất khẩu mạnh hơn dự kiến là một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế vốn đang vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm kích thích nhu cầu nội địa sau đại dịch.
Sự suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản và lo ngại về việc làm và tiền lương đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia tăng cường hạn chế đối với hàng hóa Trung Quốc. Tháng Năm vừa qua, Mỹ đã tăng thuế đối với một loạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có việc tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện của Trung Quốc lên 100%. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã xác nhận sẽ áp đặt thuế đối với xe điện của Trung Quốc, nhưng chỉ lên tới 37,6%.
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ áp đặt thuế bổ sung 40% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, và Canada cho biết đang xem xét các biện pháp hạn chế.
Trong khi đó, Indonesia dự kiến sẽ áp đặt thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với các sản phẩm dệt may, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Ấn Độ đang theo dõi mặt hàng thép giá rẻ của Trung Quốc. Và các cuộc đàm phán với Saudi Arabia về hiệp định thương mại tự do được cho là đã bị đình trệ do lo ngại về tình trạng bán phá giá.
Nhập khẩu sụt giảm có thể không có lợi cho xuất khẩu trong những tháng tới, vì gần một phần ba nhập khẩu của Trung Quốc là để tái xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử.
Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nội địa yếu, xuất khẩu thép của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy khu vực xây dựng - vốn là ngành sử dụng nhiều thép - đang suy yếu.
Dữ liệu thương mại trái chiều tiếp tục thúc đẩy các lời kêu gọi chính phủ kích thích kinh tế hơn nữa, giữa lúc nền kinh tế trị giá 18.600 tỷ USD này đang vật lộn để phục hồi.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng vẫn chưa thể kết luận liệu doanh số xuất khẩu mạnh mẽ trong những tháng gần đây có thể duy trì được hay không khi các đối tác thương mại chính của Trung Quốc ngày càng có xu hướng bảo hộ hơn.
Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ chính sách trong ngắn hạn, và cam kết của chính phủ trong việc tăng cường kích thích tài khóa được cho là sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa tăng tốc./.