Tín dụng eo hẹp, giải pháp vốn nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Với đặc thù hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lương thực-thực phẩm phải tự lo nguồn vốn, tự đi tìm tài sản thế chấp để được vay ngân hàng.
Theo phản ánh của các hiệp hội ngành nghề, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất lớn để phục vụ kế hoạch kinh doanh năm.
Tuy nhiên, việc tiếp cận dòng vốn tín dụng lại đang bị ách tắc do hầu hết các ngân hàng đều cạn room tín dụng.
Việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng khó khăn hơn, do phần lớn không có tài sản đảm bảo.
Nhu cầu vốn tăng mạnh những tháng cuối năm
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), từ đầu năm đến bây giờ tất cả các nguyên vật liệu, kể cả chi phí vận hành trong ngành đều tăng cao.
Điều này, khiến cho nhu cầu nguồn vốn của doanh nghiệp cũng phải tăng lên theo tương ứng, ước tăng khoảng 50-60% so với trước đây.
Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp càng lớn hơn, do cần chuẩn bị cho việc tích trữ nguyên vật liệu đáp ứng các đơn hàng lễ, Tết.
Dù tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho thành phố, thế nhưng các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, chứ chưa nói đến chính sách ưu đãi 2% lãi suất.
Bà Chi cho biết, với đặc thù hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lương thực-thực phẩm phải tự lo nguồn vốn, tự đi tìm tài sản thế chấp để được vay ngân hàng. Ngay cả bỏ qua vấn đề tài sản thế chấp, thì hai tháng nay các ngân hàng lại báo hết room tín dụng cho vay.
Do đó, trong các vấn đề khó khăn đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đại diện FFA mong muốn các doanh nghiệp trong ngành được ưu tiên giải quyết vấn đề tiếp cận vốn vay ngân hàng.
[Thêm cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai thanh toán số]
“Chúng tôi hiểu Ngân hàng Nhà nước phải cân đối giữa tăng trưởng tín dụng với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ngành ngân hàng nên cân nhắc, ưu tiên room tín dụng đối với các doanh nghiệp lương thực - thực phẩm để doanh nghiệp có thể phối hợp với thành phố thực hiện tốt kế hoạch bình ổn giá, nhất là vào dịp lễ, Tết sắp tới. Bởi việc ổn định giá hàng hóa cũng là yếu tố then chốt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra,” bà Lý Kim Chi nói.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, kể từ khi chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng nhưng lại chưa đảm bảo điều kiện vay, do không có tài sản thế chấp.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đề nghị ngành ngân hàng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch.
Không riêng doanh nghiệp trong các ngành trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, nhu cầu vốn để đáp ứng kế hoạch kinh doanh cuối năm hiện rất lớn, song việc tiếp cận vốn ngân hàng đang rất khó khăn.
Thậm chí, ngay cả khi room tín dụng được tháo gỡ, thì việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp SME vẫn là câu chuyện khó khăn dài kỳ chưa thể tháo gỡ ngay trong thời gian ngắn.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, vấn đề chính hiện nay của các doanh nghiệp thành phố là nguồn vốn.
Sau đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp SME đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Phía ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp khi vay phải có tài sản thế chấp nhưng rất ít doanh nghiệp SME đáp ứng được yêu cầu này.
Trong khi đó, các yêu cầu liên quan đến báo cáo tài chính, chứng minh dòng tiền có thể trả nợ... vẫn luôn là điểm yếu của nhiều doanh SME. Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước COVID -19, nhưng nhiều doanh nghiệp SME vẫn rất khó đáp ứng được yêu cầu.
“Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, nhưng chỉ có doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được. Còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì rất khó tiếp cận được vốn tín dụng,” ông Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Doanh nghiệp phải chủ động đa dạng nguồn vốn vay
Thực tế, kể từ cuối quý 2 năm 2022 đến nay, do room tín dụng hạn chế, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Phần lớn các trường hợp được ưu tiên vay vốn thường là các doanh nghiệp có sẵn quan hệ tín dụng với ngân hàng và có tài sản đảm bảo.
Câu chuyện tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi 2% còn khó khăn hơn với các doanh nghiệp SME.
Trong văn bản đốc thúc giải ngân gói hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lãi suất là các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn ngân hàng; đồng thời các ngân hàng không được hạ chuẩn cho vay. Do đó, việc vay vốn ưu đãi của doanh nghiệp SME cũng chẳng dễ dàng, dù nhu cầu rất lớn.
Tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng thương mại không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện vay vốn sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn, vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng.
Thông thường các ngân hàng thương mại cũng sẽ có phương án cho doanh nghiệp được vay một phần không cần tài sản đảm bảo. Điều này tùy thuộc vào sự linh hoạt, chủ động của từng ngân hàng, tuy nhiên, đó phải là doanh nghiệp có lịch sử tín dụng không có nợ xấu, có mối quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng và minh bạch báo cáo tài chính, dòng tiền.
Dưới góc độ chuyên gia, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc các doanh nghiệp SME thiếu điều kiện tài sản đảm bảo và cả phương án kinh doanh khả thi thì sẽ khó tiếp cận tín dụng.
Bởi vì các tổ chức tín dụng cần đảm bảo kinh doanh để không mất vốn nhà nước và vốn của ngân hàng, dù là ngân hàng tư nhân cũng có thể bị hình sự hóa.
Do đó, vị chuyên gia này đề xuất các doanh nghiệp SME cần đa dạng kênh tiếp cận vốn chứ không nên chỉ trông chờ vào kênh tín dụng ngân hàng.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp SME nên quan tâm mảng cho thuê tài chính, bởi lĩnh vực này không cần tài sản thế chấp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, khi doanh nghiệp cần máy móc, thiết bị hiện đại thường có giá trị lớn, họ phải đầu tư ngay một số vốn trung, dài hạn lớn để mua sắm.
Với giao dịch cho thuê tài chính, doanh nghiệp không cần chi ra một khoản tiền lớn ngay một lúc mà chỉ cần trả tiền thuê theo món nhỏ cho từng thời kỳ thỏa thuận. Hiện Việt Nam có 11 công ty cho thuê tài chính và dự báo kênh này sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Riêng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không có tài sản đảm bảo, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến nghị doanh nghiệp có thể tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Dù hướng đến việc tiếp cận nguồn vốn vay nào đi nữa, các chuyên gia cũng đặc biệt khuyến nghị các doanh nghiệp SME phải quan tâm vấn đề quản trị tài chính.
Việc minh bạch báo cáo tài chính, dòng tiền là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần…/.