Tìm mô hình cho Khu trung tâm chính trị-hành chính Đồng Nai

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định xây dựng Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của địa phương nhưng phải tiết kiệm đất, không gian, không lãng phí.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Chiều 24/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo tìm kiếm mô hình xây dựng Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh Đồng Nai.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, đơn vị tư vấn đến từ Đức, Nhật Bản và Singapore.

Tại hội thảo, các đơn vị tư vấn giới thiệu nhiều mô hình trung tâm hành chính tập trung tại các quốc gia trên thế giới và một số tỉnh, thành ở Việt Nam; đồng thời cho rằng, việc hình thành trung tâm hành chính tập trung là cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; tận dụng tối đa không gian, tiện nghi chung.

Theo các đơn vị tư vấn, hiện chưa có công thức tính toán, xác định quy mô của một trung tâm chính trị-hành chính phù hợp với quy hoạch chung, phù hợp với quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương. Do đó, việc lựa chọn giải pháp quy hoạch kiến trúc phù hợp cần căn cứ vào đặc điểm địa lý, nhân văn, cảnh quan, bản sắc văn hóa và điều kiện kinh tế của địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, khẳng định việc xây dựng Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh Đồng Nai là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của địa phương, đồng thời yêu cầu ngành chức năng trong tỉnh xác định cụ thể quy mô, diện tích để đảm bảo trung tâm hành chính tiết kiệm đất, tiết kiệm không gian, không lãng phí. Đơn vị tư vấn khi thiết kế Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh Đồng Nai phải đảm bảo kiến trúc xanh, nghiên cứu sử dụng điện năng lượng mặt trời; không gian thiết kế phải mở, thân thiện với người dân.

Khu hành chính cần kết hợp các chức năng dịch vụ, du lịch, thương mại; bố trí xen kẽ không gian để người dân lui tới; đảm bảo thuận tiện trong kết nối giao thông. Đặc biệt lưu ý yếu tố quốc phòng của trung tâm hành chính.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai sớm tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh Đồng Nai, lựa chọn mô hình xây dựng phù hợp, xứng tầm. Tỉnh phải xác định rõ nguồn lực đầu tư, mốc thời gian thực hiện, ngay từ bây giờ cần lên phương án sử dụng, đấu giá trụ sở của các cơ quan hành chính.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết quá trình xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân. Trung tâm này phải đảm bảo tính hiện đại, có tính đến biểu tượng đặc trưng cho văn hóa, con người Đồng Nai.

Ông Võ Tấn Đức khẳng định sẽ chọn vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để xây dựng Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh. Trung tâm sẽ gắn liền với sông nước, phát triển kinh tế sông, kinh tế đêm, đồng thời kết hợp với khu đô thị để tạo nên khu vực sống động, không “chết” về đêm; kết nối với đô thị Biên Hòa hiện hữu, sân bay Long Thành, sân bay Biên Hòa bằng nhiều phương thức giao thông.

Theo quy hoạch, Đồng Nai sẽ xây dựng Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Trong khi đó, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có tổng diện tích hơn 330ha, tiếp giáp sông Đồng Nai và Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51. Đầu năm nay Đồng Nai ban hành Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ và cải thiện môi trường.

Tỉnh đặt mục tiêu cuối tháng năm 2025 sẽ di dời toàn bộ doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Sau đó tỉnh xây dựng nơi đây thành 2 khu vực gồm Trung tâm Chính trị-Hành chính tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng 44ha và Khu đô thị-dịch vụ Biên Hòa 1 với diện tích hơn 280ha.

Ông Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng điểm nổi bật của Đồng Nai là quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính trong khu vực đô thị rộng hàng trăm hecta. Tỉnh cần tính toán thật kỹ để trung tâm hành chính sẽ kích thích sự phát triển cho khu vực xung quanh. Việc tổ chức đô thị, trung tâm hành chính cần triển khai theo kiến trúc xanh, gắn với sông Đồng Nai, khai thác lợi thế từ sông, có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Văn Tất chia sẻ Việt Nam đã có nhiều tỉnh, thành xây dựng trung tâm hành chính. Nhiều địa phương cũng đang lên kế hoạch xây dựng. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến hiệu quả, tiện ích, chi phí vận hành của trung tâm hành chính vẫn mơ hồ, chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể.

Nhiều địa phương xây dựng trung tâm hành chính rộng hàng chục hecta, diện tích sàn xây dựng cao hơn từ 3 đến 4 lần so với quy định của Chính phủ, đây là điều bất hợp lý. Chính quyền Đồng Nai cần tính toán xây dựng trung tâm hành chính kết hợp với đô thị, gần gũi với công chúng với những chức năng đi kèm như nhà ở, bán lẻ, giải trí, du lịch. Không để trung tâm hành chính trở thành một vùng "chết" sau giờ làm việc./.