Tìm lời giải cho bài toán 'chảy máu chất xám' trong ngành y tế ở Tây Ninh
Tình trạng thiếu bác sỹ, nhất là cán bộ có kinh nghiệm, gây khó khăn trong việc triển khai các kỹ thuật chuyên môn ở tuyến cơ sở khiến bệnh nhân vượt tuyến, dẫn đến tình trạng quá tải cho tuyến trên.
Trong thời gian qua, tình trạng nhân viên y tế tỉnh Tây Ninh sau khi tốt nghiệp đại học trở về làm việc tại các cơ sở y tế công lập ngày càng ít; một số chỉ làm việc một thời gian ngắn để tích lũy đủ kinh nghiệm rồi chủ động xin nghỉ việc để ra làm tại các bệnh viện tư nhân với mức lương cao hơn.
Ngành y tế công lập ngày càng khan hiếm nhân tài trẻ dẫn đến thiếu hụt nhân viên y tế, đặc biệt là các y bác sỹ và điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao.
Thiếu cơ chế thu hút, giữ chân bác sỹ giỏi
Theo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, tình trạng nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua thiếu trầm trọng; tổng số nhân viên toàn ngành y tế đến tháng 6/2024 là 6.644 người, trong đó nhân viên y tế công lập là 2.962 người, còn lại 3.682 người thuộc Bệnh viện đa khoa tư nhân, Phòng khám đa khoa và các cơ sở y tế tư nhân khác.
Số lượng bác sỹ là 1.157 người, trong đó số lượng bác sỹ có trình độ sau đại học của các bệnh viện tư nhân cao hơn so với các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh cộng lại. Cơ cấu nhân lực y tế vẫn chưa cân đối, phần lớn bác sỹ đều tập trung tại một số đơn vị tuyến tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển.
Trong khi đó, nguồn nhân lực y tế chất lượng cao vẫn thiếu ở tuyến huyện, tuyến xã. Chuyên ngành vất vả, thu nhập thấp, độc hại, rủi ro nghề nghiệp cao; môi trường làm việc của một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được đầu tư, thiếu thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp... nên chưa thu hút được các bác sỹ đến làm việc. Số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ năm 2022 đến nay là 78 trường hợp, trong đó có 21 bác sỹ.
Tình trạng thiếu nhân lực y tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình khám bệnh, chữa bệnh và chất lượng phục vụ tại các đơn vị y tế công lập giảm dần so với trước dịch COVID-19. Tổng số lượt khám bệnh ngoại trú từ 2.602.644 lượt năm 2018 giảm xuống còn 1.613.513 lượt trong năm 2023.
Công suất sử dụng giường bệnh giảm từ 103,54% năm 2019 xuống còn 73% năm 2023. Mặc dù số lượng khám chữa bệnh chung đang phục hồi nhưng tình hình khám chữa bệnh công lập cả nội trú và ngoại trú năm 2023 chỉ còn khoảng 60% lượng bệnh nhân so với năm 2018, dẫn đến doanh thu ngành y tế giảm tương ứng.
Bác sỹ Lâm Duy Tân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh) cho biết so với nhiều ngành nghề khác thì ngành y tế có thời gian đào tạo lâu hơn. Để có một bác sỹ đa khoa phải mất 6 năm đào tạo với kinh phí tốn kém, trong khi mức thu nhập của bác sỹ mới ra trường lại không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, dẫn đến nhân lực tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập giảm.
Tình trạng thiếu bác sỹ, nhất là cán bộ có kinh nghiệm, gây khó khăn trong việc triển khai các kỹ thuật chuyên môn ở tuyến cơ sở khiến bệnh nhân vượt tuyến, dẫn đến tình trạng quá tải cho y tế tuyến trên.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất y tế, trang thiết bị y tế ở nhiều trạm y tế còn khó khăn, thiếu thốn khiến các bác sỹ trẻ có tâm lý lo ngại khi về làm việc tại cơ sở sẽ bị "mòn," không phát triển được chuyên môn, nâng cao trình độ.
Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của bác sỹ. Vì thế, thay vì về các trạm y tế, nhiều bác sỹ mới ra trường và cả bác sỹ đang làm ở cơ sở y tế công lập lựa chọn đến làm tại các cơ sở y tế tư nhân để vừa có mức thu nhập cao hơn, vừa được nâng cao năng lực chuyên môn.
Ông Hà Xuân Thược (84 tuổi, ngụ khu phố 1, phường 1, thành phố Tây Ninh) cho biết việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh kéo dài nhiều năm nay, trong khi các cơ sở khám chữa bệnh công lập lại không có bác sỹ giỏi, khiến ông không còn tin tưởng khi thăm khám ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Ông Hà Xuân Thược đề nghị cần có các chính sách cải thiện lại công tác khám chữa bệnh, thu hút bác sỹ giỏi tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập để phục vụ cho người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp.
Nhiều máy móc y tế không vận hành được do thiếu bác sỹ
Theo Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, từ tháng 9/2020, Trung tâm Y tế huyện được trang bị hệ thống chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng không cao.
Tính đến tháng 9/2023, hệ thống MRI chỉ chụp được 154 ca, nguồn thu từ thiết bị khoảng 107 triệu đồng. Vì vậy, đến nay chưa hoàn thành được thủ tục thanh toán do Trung tâm Y tế huyện chưa có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh theo quy định. Đến nay, hệ thống MRI đã hư hỏng nhưng Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu vẫn phải bảo quản trong phòng lạnh theo đúng quy chuẩn, gây tốn kém chi phí.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về y tế xã, những năm qua, trên địa bàn huyện Gò Dầu có nhiều trạm y tế xã được trang bị máy móc hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng đến nay, nhiều thiết bị ở trạm y tế xã không có người đủ trình độ theo quy định để sử dụng.
Các trạm y tế xã Phước Đông, Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu được trang bị các máy Điện tâm đồ (ECG), máy siêu âm, máy xét nghiệm huyết học, máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động… Tuy nhiên, các trạm y tế đều không có đội ngũ bác sỹ để sử dụng những máy móc này.
Để tránh tình trạng hư hỏng thiết bị, các trạm y tế đã chuyển một số máy móc được trang bị về Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu để sử dụng.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh Phan Thanh Tâm, tình hình thiếu thuốc, hóa chất, vật tư trang thiết bị thường xuyên như hiện nay đã ảnh hưởng đến công tác khám và điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú tại bệnh viện, bệnh nhân có bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc bên ngoài. Nguyên nhân thiếu thuốc và vật tư y tế là do khó khăn trong công tác đấu thầu, do thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn để hỗ trợ bệnh viện trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh Phan Thanh Tâm đề nghị Nhà nước và các ban ngành nghiên cứu những cơ chế đặc thù để có thể điều chỉnh được các tồn tại trong công tác khám chữa bệnh, thu hút nguồn nhân lực cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập và các cơ chế đấu thầu để giải quyết căn cơ được vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thiếu nhân lực phục vụ trong công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Giải pháp của ngành y tế
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh Phan Thanh Tâm cũng cho biết hiện Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh vẫn chưa đảm bảo đủ cơ số nhân lực y tế cho các khoa, phòng khác, đặc biệt là nhân viên điều dưỡng, dẫn đến sự khó khăn trong đảm bảo công tác chuyên môn từng khoa, phòng.
Cùng với đó là áp lực công việc quá lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế; chế độ đãi ngộ mà các nhân viên y tế đang nhận được nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng của ngành nghề và đặc thù công việc; chế độ phụ cấp chi trả cho các y, bác sỹ còn thấp, dẫn đến nhiều nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách khuyến khích bác sỹ tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng chính sách tăng thêm thu nhập để giữ chân nhân viên y tế.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh Trương Văn Hùng cho biết để khắc phục căn cơ tình trạng thiếu thuốc và vật tư, trang thiết bị trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Sở Y tế đang khẩn trương trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Sau khi đề án được phê duyệt, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh sẽ triển khai Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số ngành y tế; nâng cấp Bệnh viện Phục hồi chức năng lên quy mô 150 giường; nâng cấp Bệnh viện Y dược Cổ truyền lên quy mô 200 giường; xây mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I; xây mới Bệnh viện Lao và Bệnh phổi với quy mô 150 giường; thành lập Bệnh viện sản nhi từ 200-400 giường.
Cùng với đó, Sở tổ chức lại các trạm y tế theo hướng bố trí thiết bị và nhân lực hợp lý; tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và chính quyền các cấp ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi, phù hợp, hiệu quả tạo điều kiện để ngành y tế triển khai hoạt động theo những chỉ tiêu sức khỏe đã đề ra.
Đặc biệt là ngành y tế có những chính sách chế độ mạnh mẽ, thu hút hơn nữa để phát triển nhân lực y tế; đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế ở tuyến y tế cơ sở, trong đó khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân./.