Tìm hướng đi mới để hỗ trợ người làm muối Nam Định yên tâm bám nghề
Xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định, đang thí điểm các phương án hỗ trợ để diêm dân yên tâm bám nghề, ổn định cuộc sống trong bối cảnh giá muối xuống thấp và người dân thiếu nguồn cát để làm muối.
Vụ muối năm nay thời tiết không ủng hộ, giá muối xuống thấp, các diêm dân tại nơi sản xuất muối lớn nhất tỉnh Nam Định còn phải đối diện với khó khăn mới khi không được lấy cát biển để làm muối.
Diêm dân đang mong chờ các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ để họ yên tâm bám nghề, ổn định cuộc sống.
Không có nguồn cát để làm muối
Những ngày tháng Sáu, thời điểm chính vụ để sản xuất muối, nhưng tại cánh đồng muối xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (nơi làm muối lớn nhất tại tỉnh Nam Định) rất thưa thớt diêm dân làm muối.
Nhiều ruộng muối được đầu tư đồng bộ từ hệ thống chắt lọc, sân phơi cho đến kho đựng muối nhưng không có người làm muối, trên cánh đồng chỉ có người trung tuổi, người già và học sinh phụ giúp gia đình làm muối, vắng bóng lực lượng lao động chính là thanh niên.
Bà Đoàn Thị Hường, diêm dân xã Bạch Long, cho biết năm nay có rất ít ngày nắng, trung bình một tuần diêm dân mới ra đồng làm muối được khoảng 2-3 ngày, sản lượng muối thấp, tiền bán muối từ đầu vụ đến nay mới chỉ đủ tiền mua cát.
Như những năm trước, người dân cứ ra biển lấy cát về làm muối không phải mất tiền mua thì còn có lãi, năm nay phải mua cát, người dân làm gần như không có công.
Ông Đỗ Đức Mạnh, diêm dân xã Bạch Long, cho hay cát rất quan trọng trong khâu làm muối, nếu không có cát thì sẽ không thể làm muối được, khi nghe thông tin không được lấy cát ngoài biển nữa, người dân rất lo lắng, công làm muối đã thấp giờ phải thêm tiền mua cát nữa sẽ rất khó khăn.
Nhưng không thể bỏ ruộng, ngay từ đầu vụ, gia đình đành phải chi gần 4 triệu đồng mua cát để làm muối. Theo ước tính của các diêm dân, trung bình mỗi sào muối (360m2) sẽ cần khoảng ba khối cát, dùng cho cả vụ muối.
Trước khi bước vào vụ muối, người dân đã phải mua cát để tích trữ sẵn. Giá cát sông Hồng dao động từ 200.000-250.000 đồng/m3, còn cát biển dao động từ 150.000-200.000 đồng/m3, những người không mua được cát biển sẽ phải dùng cát sông Hồng.
Đặc thù của cát sông Hồng là hạt, cánh to nên việc hấp thụ nhiệt mặt trời để tạo thành muối kém hơn so với cát biển.
Ông Lại Viết Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Diêm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Bạch Long, cho biết hợp tác xã có trên 600 xã viên đang sản xuất muối với diện tích 62ha, những năm trước đây, hợp tác xã có nhiệm vụ điều tiết nước, lấy cát để cho người dân làm muối.
Nhưng năm nay, do các căn cứ, pháp lý trong văn bản của Ủy ban Nhân dân xã trình lên cấp trên xin phép khai thác cát để làm muối đã không phù hợp với các văn bản hiện hành nên các cấp chưa đồng ý cho diêm dân khai thác cát.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Diêm nghiệp, Thuỷ sản và Môi trường Bạch Long, hiện Hợp tác xã đang phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân xã Bạch Long khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để trình Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thuỷ và các Sở, ngành có liên quan xin được khai thác cát phục vụ sản xuất trong năm nay.
Khi được cấp trên phê duyệt, người dân sẽ tiếp tục được khai thác cát để làm muối như những năm trước.
Hướng đi mới
Chiều cuối ngày, khi nắng nóng gay gắt đang dịu dần, trên cánh đồng các diêm dân bắt đầu thu hoạch muối, những đống muối trắng xoá được người dân gom thành từng đống tại sân phơi, sau đó xúc lên xe chở về kho để bán.
Năm nay mưa nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất muối, hơn nữa giá muối cũng thấp hơn mọi năm, các diêm dân cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông Đoàn Văn Hoàn, diêm dân xã Bạch Long, cho hay gần 40 năm làm muối, ông chưa bao giờ thấy cảnh muối vừa mất mùa vừa mất giá như năm nay.
Giá muối đang được các thương lái thu mua tại ruộng chỉ từ 1.600-1.800 đồng/kg, nếu trời nắng to, một ngày diêm dân có thể làm được 80kg muối, tính ra một ngày làm quần quật trên cánh đồng muối dưới thời tiết nắng nóng cùng với những cơn gió biển thổi liên hồi, diêm dân chỉ thu về được khoảng 150.000 đồng.
Để duy trì, khuyến khích diêm dân bám đồng ruộng, từ năm 2022 chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thí điểm xây dựng mô hình sản xuất muối sạch phục vụ xuất khẩu với diện tích 1ha.
Tham gia mô hình này, các diêm dân sẽ được đào tạo về quy trình sản xuất muối sạch, được hỗ trợ kinh phí tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ làm muối.
Bà Đoàn Thị Đường, người dân tham gia vào dự án muối sạch, cho biết khác với làm muối truyền thống, các công đoạn làm muối sạch cũng khắt khe hơn.
Nước biển sau khi lấy về phải qua hệ thống téc lọc, củ lọc rồi mới đưa lên sân phơi, các ô kết tinh cũng phải được rửa sạch sẽ, không để cặn bẩn, khi thu hoạch muối chân, tay, dụng cụ lao động đều phải sạch…
Tuy nhiều công đoạn, nhưng sản phẩm muối làm ra được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường nên người dân cũng yên tâm.
Theo ông Lại Viết Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Diêm nghiệp, Thuỷ sản và Môi trường Bạch Long, vụ muối năm 2023, các hộ dân nằm trong dự án muối sạch sản xuất được 86 tấn muối, số muối này sau đó đã được Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định thu mua với giá cao hơn giá muối thị trường khoảng 600 đồng/kg.
Những người làm muối sạch rất phấn khởi, yên tâm sản xuất vì đã được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, để duy trì nghề muối và cải thiện đời sống diêm dân, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất muối sạch, vận động người dân ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối.
Hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã muối trên địa bàn tham gia các hội chợ giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP để quảng bá các sản phẩm muối.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bạch Long, cho biết để gia tăng giá trị cho hạt muối góp phần nâng cao thu nhập cho bà con diêm dân, địa phương đã liên hệ, kêu gọi với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tiêu thụ muối cho người dân.
Ngoài ra, cũng khuyến khích người dân từng bước chuyển từ cách làm muối truyền thống sang làm muối sạch để có được đầu ra ổn định hơn./.