Tìm hiểu về Chương trình 9+ cho những học sinh muốn lựa chọn hướng đi khác
Để thu hút học sinh đăng ký xét tuyển Chương trình 9+, nhiều trường nghề trên địa bàn đã có nhiều giải pháp như mở thêm nghề mới; có chính sách khuyến khích người học; nâng chất lượng đào tạo nghề...
Tháng 7 là lúc các gia đình có con tốt nghiệp Trung học phổ thông đứng trước cơ hội lựa chọn môi trường phù hợp cho con em mình.
Kỳ thi vào lớp 10 năm nay được nhiều chuyên gia đánh giá là tương đối "dễ thở" theo hướng giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên tại Hà Nội, chỉ có khoảng 60-62% em và Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 70% được vào học tại các trường Trung học Phổ thông công lập.
Ngoài trường công lập, tương lai các em vẫn rộng mở với nhiều lựa chọn khác từ các trường ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó, việc vào học chương trình 9+ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng là phương án được nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn.
Nhiều chính sách thu hút học sinh
Năm học 2024-2025, Hà Nội có 46 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm các trường trung cấp, cao đẳng có dạy văn hóa cấp Trung học Phổ thông được giao tuyển sinh 348 lớp 10 với 15.220 học viên.
Để thu hút học sinh đăng ký xét tuyển Chương trình 9+, nhiều trường nghề trên địa bàn đã có nhiều giải pháp như mở thêm nghề mới; có chính sách khuyến khích người học; nâng chất lượng đào tạo nghề...
Để thu hút học sinh đăng ký theo học Chương trình 9+, Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội mở thêm một số mã ngành mới, gồm Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tạo mẫu và Chăm sóc sắc đẹp, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp.
Thầy Trần Việt Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2024-2025, nhà trường được giao tuyển sinh 720 chỉ tiêu, trong đó có 135 chỉ tiêu chương trình 9+. Thời gian nhận hồ sơ chương trình này là từ ngày 20/4 đến 22/7.
Các em theo học chương trình 9+ có thể đăng ký xét tuyển nhiều vào những ngành: Công nghệ ôtô, Công nghệ sơn ôtô, Đồ họa đa phương tiện, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, Điện tử công nghiệp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật...
Đây cũng là những ngành nghề thị trường lao động và doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển nhiều nhân sự. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ học sinh theo học chương trình 9+ như: tặng học bổng, học phí, tặng sách, balo...
Được giao tuyển sinh chương trình 9+ với 690 chỉ tiêu, Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội đã đưa ra chính sách khuyến khích học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề khi đăng ký xét tuyển Chương trình 9+.
Cụ thể, các em được tặng 5 tháng học phí văn hóa, balo. Các em còn được hưởng các chế độ khác, như: học bổng khi đạt loại giỏi trở lên; hỗ trợ cấp thẻ xe buýt...
Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho biết: Một số nghề có nhiều học sinh đăng ký xét tuyển là Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Điện công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn.
Sau khi ra trường, tùy theo từng nghề và khả năng của học sinh, mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng. Năm học 2024-2025, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội được giao tuyển sinh 180 chỉ tiêu Chương trình 9+.
Trọng tâm tuyển sinh của nhà trường hướng đến 7 ngành nghề chính; trong đó có nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Kỹ thuật làm bánh đang được quan tâm tuyển sinh với số lượng lớn. Học sinh ra trường cam kết có việc làm ngay chiếm đến 80-90%...
Chia sẻ về ưu điểm, lợi thế của học sinh khi tham gia mô hình 9+, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định hiện nay, nhận thức của xã hội với đào tạo nghề đã tăng lên, nhiều phụ huynh quan tâm, định hướng cho con em học các ngành nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu thực tế của gia đình, ra trường có công việc ngay.
Theo học chương trình 9+ có rất nhiều lợi thế đối với học sinh, sinh viên. Theo học hệ này, các em được tiếp cận ngay với nghề nghiệp từ sớm, trau dồi kỹ năng, tiếp xúc với doanh nghiệp, hình thành được thói quen làm việc trong môi trường sản xuất kinh doanh từ sớm.
Song song đó, các em có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục phổ thông thường xuyên, sau đó liên thông lên cao đẳng, đại học và trình độ như mong muốn.
Để đào tạo đáp ứng yêu cầu
Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đã đề ra mục tiêu 25-30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2024, ngành Giáo dục nghề nghiệp đề ra chỉ tiêu tuyển sinh đạt hơn 2,43 triệu người, trong đó, tuyển sinh chính quy cho các trường cao đẳng, trung cấp đạt 530.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người. Số người tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp sẽ đạt hơn 2,1 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 346.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng đây cũng là một thách thức đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Bởi dù nhận thức của xã hội đã thay đổi nhưng hiện nay nhiều gia đình vẫn mong muốn con em được học các ngành nghề có chứng chỉ, bằng cấp cao, nghĩa là vẫn hướng tới học đại học trở lên.
Đây là mong muốn chính đáng, tuy nhiên, nếu xét về sự phát triển của nền kinh tế, xã hội lại cần nhiều đến lực lượng lao động có bằng cấp từ cao đẳng trở xuống (khoảng 75%). Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã có các môn hướng nghiệp tích hợp ngay từ cấp tiểu học, trung học cơ sở cho học sinh nhưng cũng cần một hệ thống bài bản từ tổ chức bộ máy, tổ chức thực hiện không chỉ trong các trường, còn cần huy động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em định vị, lựa chọn sớm được con đường nghề nghiệp của bản thân.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm những ngành nghề mới, xu hướng mới, chủ động trong việc thay đổi chương trình đào tạo thích ứng với doanh nghiệp...
Theo nhiều chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải lưu tâm 3 trụ cột khi đào tạo nghề kết hợp với dạy văn hóa.
Trước hết, giáo dục học sinh thay đổi ý thức, nhận thức học nghề để từ đó có thái độ học tập tốt.
Thứ hai là các trường tập trung vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng chất lượng đào tạo nghề để thật sự hấp dẫn bằng cách thay đổi chương trình, nội dung dạy học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, phương pháp đào tạo và trang thiết bị.
Thứ ba là phải đảm bảo chất lượng dạy văn hóa để học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp cần nghiên cứu tăng thời gian thực hành, cũng như phối hợp với các doanh nghiệp đưa người học được trải nghiệm thực tế.
Đây cũng là cách giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiết kiệm được kinh phí đầu tư mua trang thiết bị, trang bị kỹ năng để học sinh, sinh viên đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như yêu cầu của các cuộc cách mạng công nghiệp và những thay đổi trong tương lai./.