Tìm hiểu lối vẽ Đông-Tây hòa quyện trong sơn mài của họa sỹ Trần Phúc Duyên

Giới chuyên môn đánh giá họa sỹ Trần Phúc Duyên là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt.

"Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa" là cuốn sách giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và các tác phẩm của họa sỹ Trần Phúc Duyên (1923-1993) – người thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Cuốn sách ra mắt ngày 4/1 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hướng tới dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-2025).

Trần Phúc Duyên sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình thuộc tầng lớp giàu có của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Sau khi tốt nghiệp Trung học, ông chọn học Khoa Sơn mài của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương để nuôi dưỡng đam mê của mình, có lẽ một phần vì bộ môn này gần với công việc kinh doanh xưởng gỗ của gia đình, một phần vì nghệ thuật vẽ tranh sơn mài lúc bấy giờ ở Việt Nam đã phát triển đến độ cực thịnh, để rồi kể từ đó bộ môn nghệ thuật này đã gắn bó cùng ông đến hết phần đời còn lại, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng tại Thụy Sỹ, năm 1993.

Cuốn sách là kết quả dày công nghiên cứu sưu tầm trong 6 năm của hai nhà sưu tập Phạm Lê. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một lần tình cờ, hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (Phạm Lê) phát hiện ra “kho báu” các tác phẩm đồ sộ của ông đã bị lãng quên ở một nơi xa xôi, tại ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sỹ, nơi ông sống và làm việc từ năm 1968 cho đến khi qua đời năm 1993.

Với mong muốn giới thiệu với công chúng Việt Nam di sản nghệ thuật đặc biệt của Trần Phúc Duyên, hai nhà sưu tập Phạm Lê đã lên kế hoạch tổ chức triển lãm “Họa Duyên tương ngộ” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sỹ Trần Phúc Duyên (1923-1993) tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2023 và cho ra đời cuốn sách này vào năm 2024 nhân kỷ niệm 100 thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Giám tuyển Ace Lê đã nhận định rằng Trần Phúc Duyên là một trong những danh họa sơn mài quan trọng nhất tốt nghiệp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Tọa đàm về sự nghiệp hội họa của Trần Phúc Duyên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sỹ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây.

“Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Trần Phúc Duyên như một người lữ hành lặng lẽ đầy nội tâm. Trong sự nghiệp của ông, chúng ta có thể nhận ra ba lối tranh rõ rệt: Phong cách Đông Dương, chủ yếu là tranh phong cảnh và sinh hoạt đặc trưng của văn hóa Việt Nam; càng về sau thì thiên về Thiền họa có biểu tượng, cuối cùng là tranh Trừu tượng tối giản thuần túy,” giám tuyển Ace Lê cho biết.

Tác phẩm mô phỏng bộ tranh "Sương Thu" (sơn mài 4 tấm) của Trần Phúc Duyên.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt, tác giả của nhiều đầu sách quan trọng về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, thì cho rằng Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sỹ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực.

“Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở,” ông Quang Việt nói.

Theo các chuyên gia, họa sỹ Trần Phúc Duyên đã dành trọn 50 năm cuộc đời cho nghệ thuật sơn mài. Sự thiếu thốn về vật liệu khi sinh sống ở nước ngoài không làm ông chùn bước, mà ngược lại, thúc đẩy ông nghiên cứu, tìm tòi, và thử nghiệm với những chất màu và kỹ thuật mới. Ông kết hợp kỹ thuật và cảm quan nghệ thuật của cả phương Đông và phương Tây, qua đó tạo cho mình một hệ phái sơn mài rất riêng./.