Tìm hiểu 16 di sản Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của Nhân loại

Với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vừa được UNESCO ghi danh vào ngày 4/12 vừa qua, Việt Nam đã có tổng cộng 16 Di sản nằm trong Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hiện nghi thức tế truyền thống tại lễ Giổ Tổ Hùng Vương. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vừa được UNESCO ghi danh vào ngày 4/12 vừa qua, Việt Nam đã có tổng cộng 16 Di sản nằm trong Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

16 Di sản này bao gồm Nhã nhạc-Nhạc Cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Ca Trù; Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi Kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, Nghệ thuật Xèo Thái, Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Nhã nhạc Cung đình Huế

Từng phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn (1802-1945), Nhã nhạc, loại hình âm nhạc tao nhã, thiêng liêng thường dùng để trình diễn trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình, những cuộc cúng tế thần linh và tổ tiên, đã trở thành một loại hình âm nhạc cung đình không thể thiếu của triều đại thời bấy giờ.

Múa “Lục cung hoa đăng” phục vụ du khách tham quan trong Duyệt Thị Đường. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Từ thời nhà Lý (1010-1225), âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được phát triển qua các triều đại nhà Trần (1225-1400), nhà Hồ (1400-1407), nhà Lê (1427-1788), nhà Tây Sơn (1889-1801) và đặc biệt phát triển rực rỡ, đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất ở triều Nguyễn.

Khác với các thể loại âm nhạc khác của Việt Nam, Nhã nhạc cung đình là loại hình âm nhạc duy nhất mang tính quốc gia. Nhã nhạc cung đình Huế hiện nay tồn tại dưới ba hình thức gồm Đại nhạc, Tiểu nhạc và Múa cung đình.

Nhã nhạc Việt Nam có hệ thống các bài bản rất phong phú, chỉ riêng hệ thống nhạc chương đã có hàng trăm bản, đó là chưa kể đến các bản khí nhạc dành cho Tiểu nhạc, Đại nhạc và Huyền nhạc...

Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (từ năm 2008 gọi là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại). Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.

Múa cồng chiêng tại Liên hoan Văn hóa Cồng Chiêng Ia Grai 2023. (Ảnh: Quang Thái/ TTXVN)

Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của 17 dân tộc thiểu số. Cồng chiêng ở đây được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người, thần thánh và thế giới siêu nhiên; những chiếc cồng chiêng của mỗi gia đình biểu hiện cho tài sản, quyền lực và sự an toàn.

Cồng chiêng là một loại hình di sản văn hóa tồn tại từ nền văn hóa Đông Sơn, cách đây ít nhất 3.500-4.000 năm, mà trống đồng và cồng chiêng là hai nhạc cụ điển hình.

Nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình.

Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên được cấu trúc theo nhóm, từng bè. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà đã trở thành vật thiêng trong mỗi gia đình và cộng đồng.

Cồng chiêng Tây Nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của người Tây Nguyên.

Ngày 25/11/2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biểu diễn quan họ Bắc Ninh. (Nguồn: Vietnam+)

Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Dân ca quan họ là những làn điệu dân ca đặc sắc của trấn Kinh Bắc - thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 có 49 làng quan họ, với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã, mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam.

Dân ca quan họ là một hình thức hát giao duyên. Nét độc đáo của quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hòa quyện tuyệt diệu giữa giai điệu và lời ca, giữa trang phục truyền thống độc đáo gắn với cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị. Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà nó còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người quan họ.

Với số lượng bài ca và làn điệu phong phú (hơn 500 bài ca và 213 làn điệu), được thể hiện bằng nghệ thuật ca hát đặc sắc và độc đáo, dân ca quan họ có thể nói đã đạt tới đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc.

Ngày 30/9/2009, với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ca nương Lê Thị Bạch Vân trình diễn bài Tỳ bà hành và Miễu nói. (Nguồn: TTXVN phát)

Nghệ thuật Ca trù

Ca trù ban đầu vốn là một loại hình nghệ thuật của dân gian, được cung đình tiếp nhận dùng làm trò diễn xướng, gọi là hát cửa quyền, rồi lại trở về với dân gian gọi là hát cửa đình, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát nhà tơ.

Ngày nay, ca trù trở thành một nghệ thuật độc đáo, một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt.

Hát ca trù phải có đào hát với giọng khỏe, trầm và sang. Nhạc đệm cho người hát gồm có chiếc đàn đáy, chiếc trống con (trống khẩu), gọi là trống chầu và chiếc phách, gọi là cỗ phách do người hát điều khiển.

Nghệ thuật hát ca trù mang sắc thái độc đáo, đặc sắc riêng có ở Việt Nam và của cả nhân loại. Trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu… làm mê hoặc lòng người như ca trù.

Ngày 1/10/2009, Ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Cap: Vào thời điểm hưng thịnh, hát ca trù được coi là một nghề kiếm sống cho hàng trăm người dân ở Đông Môn. Trong ảnh từ trái sang là các ca nương Phạm Thị Liên, ca nương-Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Quyên, ca nương Lương Hải Phượng và kép Tô Văn Tuyên. (Ảnh: CTV/Vietnam+) Xuất hiện tại làng Đông Môn (Hải Phòng) khoảng 200 năm nay, hát ca trù từng là nghề để kiếm sống của nhiều gia đình, dòng họ. Xã Thủy Nguyên vì thế trở thành "cái nôi" của ca trù đồng bằng Bắc Bộ.

Hội Gióng tại đền Sóc được chuẩn bị lễ vật vô cùng công phu như đàn voi và giò hoa tre. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Đó là Thánh Gióng, một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, nơi Thánh hóa, cưỡi ngựa về trời) diễn ra từ ngày 6-8 tháng Giêng Âm lịch. Hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, nơi Thánh Gióng sinh ra) diễn ra từ ngày 7-9 tháng tư Âm lịch.

Hội Gióng đền Sóc Sơn là một lễ hội lớn hàng năm với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng. Nhân dân 8 thôn làng quanh đền dâng các lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong khuôn khổ lễ hội có các phần lễ rước, cung tiến và cướp lộc hoa tre; tục chém tướng diễn tả lại việc Thánh Gióng chém 3 tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời; lễ hóa các mô hình voi và ngựa giấy với kích thước.

Khác với Hội Gióng đền Sóc, Hội Gióng Phù Đổng là một “hội trận,” vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước “Quốc thái dân an” của nhân dân.

Lễ hội Gióng được cử hành trong một không gian rộng lớn dài khoảng 3km, là một hiện tượng văn hóa được bảo tồn, lưu truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ.

Hội Gióng còn có vai trò liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước được thái bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với những giá trị nổi bật đó, ngày 16/11/2010 tại Kenya, UNESCO đã ghi danh Hội Gióng ở Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm và Đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội, Việt Nam) là "Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại."

Các nghệ nhân làng Xoan gốc biểu diễn Hát Xoan tại Đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. (Nguồn: TTXVN phát)

Nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng Đất Tổ, gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu, di sản hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tuy hai mà một, gắn kết với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được là nhờ trong nghi thức có hát Xoan.

Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình,” là hình thức nghệ thuật đa yếu tố gồm ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.

Hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội). Hát nghi lễ gồm các bài: Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám.

Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca.

Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Ngày 8/12/2017, Hát Xoan được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đền Thượng là nơi tổ chức những nghi lễ quan trọng nhất của Lề Giỗ Tổ Hùng Vương. (Nguồn: Vietnam+)

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Việt Nam, khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được biểu hiện cụ thể qua Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì.

Ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Một tiết mục tại Hội thi đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang năm 2024. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ

Đờn ca tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam Bộ, vừa mang tính bác học, vừa dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ.

Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế, được cải biên và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, với sự kết hợp của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng,” “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bài nhạc cổ cho 4 điệu.

Ngày 5/12/2013, Đờn ca Tài tử Nam Bộ chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh liên tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh lần thứ V. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.

Từ một hình thức văn nghệ dân gian của người dân lao động, cùng với sự tu chỉnh của nhiều thế hệ nghệ nhân theo dòng thời gian, sự tham gia trau chuốt của các nho gia, danh sỹ, khoa bảng…, dân ca Ví, Giặm ngày càng được hoàn thiện, có bố cục chặt chẽ, câu từ tinh tế, vần điệu chắt lọc để trở thành một loại hình văn nghệ hấp dẫn có giá trị nghệ thuật cao.

Làn điệu Ví, Giặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Loại hình dân ca này cũng có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; giáo huấn, triết lý trọng nghĩa, trọng tình, mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam.

Không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn xướng, Ví, Giặm được người dân hát không kể thời gian, hầu như quanh năm suốt tháng.

Với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 27/11/2014.

Giao lưu trình diễn Nghi lễ và trò chơi Kéo co Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Nghi lễ và Trò chơi kéo co

Kéo co là một hình thức sinh hoạt cộng đồng đã có từ lâu đời và phổ biến ở các nước nông nghiệp trồng lúa nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao, còn là một nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh, ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và mỗi vùng miền.

Dù văn hóa, phong tục tập quán của các vùng, miền, các quốc gia khác nhau, xong nghi lễ và trò chơi kéo co đều có sự tương đồng ở triết lý nhân sinh, đều là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, kết nối giữa con người với thiên nhiên.

Tại Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, và một số nơi ở vùng núi phía Bắc.

Ngày 2/12/2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trình diễn một nghi lễ trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của dân tộc Việt Nam. (Nguồn: Vietnam+)

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền (trời, sông nước, rừng núi), sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian (trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một ‘bảo tàng sống’ lưu giữ lịch sử, và bản sắc văn hóa của người Việt. Qua đó, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người hướng con người về cuộc sống thực tại với những nhu cầu thực tế, đời thường.

Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo đánh giá của UNESCO, di sản này đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra “sợi dây tinh thần” liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, nó đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo.

Câu lạc bộ Bài chòi huyện Mộ Đức biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật Dân ca-bài chòi tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng).

Đây là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, vừa mang tính trình diễn vừa mang tính thực hành xã hội, có sáng tạo ngẫu hứng.

Bài Chòi có hai hình thức chính: Chơi Bài chòi và Trình diễn Bài chòi. Chơi Bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh/chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hành Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. (Nguồn: TTXVN)

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái

Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, xuất hiện ở những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn…

Thực hành Then phản ánh quan niệm của họ về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa tới hội họa và trình diễn….

Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.

Ngày 13/12/2019, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trình diễn màn Xòe cổ lớn nhất Việt Nam - Xòe Thái vào năm 2022. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Nghệ thuật Xòe Thái

Múa Xòe còn được gọi là “Xe khăm khen” (múa cầm tay), nảy sinh trong quá trình lao động, trong sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội của người Thái vùng Tây Bắc.

Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái.

Nhiều điệu nhảy trong múa Xòe mô phỏng những bước đi của cha ông, khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu…, tất cả đều diễn tả sinh động thực tế cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc. Âm nhạc của điệu múa này cũng là biểu hiện cho thế giới quan và nhân sinh quan của người xưa.

Tháng 12/2021, Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ nhân làng gốm Chăm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). (Nguồn: TTXVN)

Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm

Tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, làng Bàu Trúc, Ninh Thuận, được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.

Chính bởi được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công như vậy nên những sản phẩm gốm Chăm không chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi sản phẩm đều thể hiện phong cách, tay nghề, sự khéo léo và cả tình cảm, tâm trạng của người thợ trong quá trình chế tác sản phẩm.”

Toàn bộ quy trình làm Gốm Chăm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng, bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.

Ngày 29/11/2022, Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch) tại núi Sam, Châu Đốc, An Giang, là lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ.

Lễ hội có các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang.

Lễ hội nhằm tôn vinh Nữ thần bảo trợ, ban tài, lộc, sức khỏe, bình an cho người dân địa phương, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở công lao dựng nước, giữ nước của cha ông, đề cao vai trò của người phụ nữ và thể hiện sự giao thoa trong sáng tạo, thực hành văn hóa và sự hòa hợp của các dân tộc cùng chung đức tin trong cùng một phạm vi lãnh thổ.

Ngày 4/12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức ghi danh Di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại./.