Tìm giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế
Để không bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn về dòng tiền, lãnh đạo ngân hàng khuyến cáo doanh nghiệp cần tránh bị mất cân đối tài chính, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn...
Phát biểu tại Hội thảo “Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do Báo Dân trí tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/11, các đại biểu cho rằng ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp đặt câu hỏi dù lãi suất cho vay đã giảm thời gian qua nhưng vẫn còn cao, vậy có thể giảm thêm trong thời gian tới không?
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Thương mại Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) khẳng định lãi suất cho vay đã thấp hơn quý trước. Tại HDBank lãi suất đã giảm khoảng 2%-2,5% so với trước đây và đang có gói tín dụng cho vay chỉ từ 6,5%/năm. Các ngân hàng đang phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt để cho vay, như HDBank có chương trình tốt cho khách hàng, thấp hơn cả so với lãi suất huy động.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) cũng chia sẻ không phải thời điểm này mà từ đầu năm ngân hàng đã tuân thủ chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và có rất nhiều lần giảm lãi suất cho vay.
Hiện sàn lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank đã giảm từ 1,3%-4% tùy từng lĩnh vực, sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3%-1,5%.
"Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch COVID-19 diễn ra. Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này, không chỉ chúng tôi mà các ngân hàng thương mại đều vào cuộc đồng hành," ông Bách nói.
Thực tế, nhiều gói tín dụng lãi suất thấp được tung ra nhưng tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng, phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp. Tính đến 31/10 tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng từ nay đến đầu 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ gặp khó khăn bởi áp lực tỷ giá.
“Chúng ta không thể để VND mất giá, bởi nếu tình trạng này xảy ra, không là dòng tiền mà bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận VND mất giá song chỉ ở mức độ nhất định, không thể để mất giá quá lớn,” chuyên gia này nhận định.
Riêng với lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2%-2,5%/năm so với đầu năm. Mức giảm này vượt quá kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước đặt ra đầu năm nay song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Dù vậy, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng ngân hàng thương mại huy động lãi suất cuối năm 2022 và đầu năm 2023 rất cao nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay sẽ lỗ nặng. Tuy vậy, các ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng, có khẩu vị riêng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm khách hàng ưu tiên của mình.
"Việc hạ lãi suất điều hành rất khó nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đang thúc giục các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Sau khi lãi suất điều hành giảm cần có độ trễ cho lãi suất của ngân hàng thương mại, bởi trước đó các ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất quá cao. Hy vọng lãi suất bên ngoài như của Mỹ sẽ giảm từ giữa năm sau giúp áp lực lên hệ thống ngân hàng giảm bớt, từ đó còn dư địa có thể giảm thêm lãi suất điều hành," ông Thành nói.
Cơ hội mới nào cho doanh nghiệp?
Có một thực tế hiện nay là thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại rất dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn.
Chuyên gia Võ Trí Thành nêu 3 nhóm từ khóa về cơ hội mới cho doanh nghiệp hiện nay.
Thứ nhất là phòng thủ. Các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro, có kịch bản phát triển kinh doanh bền vững. Tình hình kinh tế bất ổn, doanh nghiệp phải có phương án tác chiến để phản ứng kịp thời, đồng thời học hỏi các công cụ quản trị rủi ro.
Thứ 2 là tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều bất ổn, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng và bắt nhịp xu thế.
Ông Thành nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chờ quá 3 năm mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới. Trong đó, các ngành được quan tâm là công nghệ cao, giáo dục, y dược, chất bán dẫn, hàng không… Đây là những cơ hội chưa từng có mà doanh nghiệp phải nắm bắt,” ông Thành cho hay.
Cũng theo ông Thành, hiện tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14%, do doanh nghiệp đang khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm, cộng thêm với tiêu chuẩn của người đi vay khó đáp ứng được so với yêu cầu của các ngân hàng thương mại... Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ bằng nhiều phía từ giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu thị trường, tăng giải ngân đầu tư công, thu hút đầu vốn từ nước ngoài…
Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của HDBank, để không bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp cần tránh bị mất cân đối tài chính, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn. Đáng chú ý doanh nghiệp không nên để khoản vay rơi vào tình trạng nợ quá hạn. Bởi khi khoản vay bị nhảy nhóm nợ, thì việc tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ vô cùng khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, để khơi thông dòng vốn, từ nay đến cuối năm cần kích thích tăng trưởng. Trong ngắn hạn, ngàng Ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết nhu cầu vốn tăng cao, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay ngắn hạn giúp doanh nghiệp giảm giá thành khoảng 9.000 tỷ đồng cho vay qua doanh nghiệp kênh phân phối tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, với lãi suất từ 4%-6%/năm./.