Tìm giải pháp để ngành điều giữ được vị thế xuất khẩu
Trong thời gian 1 năm qua, với biến động giá nguyên liệu điều thô theo chiều hướng bất lợi cho các nhà chế biến, khiến cho các doanh nghiệp lao đao về nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng đã kí kết.
Chế biến và xuất khẩu hạt điều là một trong 9 ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Thế nhưng, với sự cạnh tranh thị trường hiện nay, cũng như vấn đề lớn nhất của ngành là nguồn nguyên liệu điều thô phục vụ cho chế biến và xuất khẩu đang tác động lớn đến hoạt động của ngành điều.
Chính vì vậy, để ngành điều giữ được vị thế xuất khẩu, giải quyết các vấn đề liên quan đến nguyên liệu là ưu tiên hàng đầu.
Nguyên liệu vướng chính sách
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng hạt điều thô trong nước mỗi năm ước tính đạt gần 400.000 tấn, trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến điều phục vụ cho xuất khẩu ước tính, tổng sản lượng điều thô phục vụ cho công suất chế biến hiện nay là 3 triệu tấn/năm.
Như vậy, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ phục vụ khoảng hơn 10% nhu cầu của các doanh nghiệp. Toàn bộ nguồn nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu từ Campuchia và các quốc gia châu Phi.
Thế nhưng, cho đến nay, nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu từ các quốc gia châu Phi lại nằm trong quy định tạm nhập tái xuất theo Điểm a, Khoản 1, Điều 14 của Nghị Định 15/2018/NĐ-CP về Luật an toàn thực phẩm.
Điều này đồng nghĩa, toàn bộ nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu tạm thời, sử dụng chế biến có thời hạn để phục vụ cho xuất khẩu, nguồn nguyên liệu này không được dùng làm thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Trong thời gian gần 1 năm qua, với biến động giá nguyên liệu điều thô theo chiều hướng bất lợi cho các nhà chế biến, khiến cho các doanh nghiệp lao đao về nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng đã kí kết.
Trong khi việc kí kết hợp đồng thực hiện khi giá nguyên liệu còn thấp, dẫn đến bán ra cũng theo tỉ lệ lợi nhuận nhất định. Nhưng khi thực hiện đơn hàng, giá nguyên liệu tăng vọt khiến cho doanh nghiệp dễ rơi vào bồi thường hợp đồng hoặc chịu lỗ để giao hàng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, không đủ vốn trữ nguyên liệu lâu dài.
Tình thế này buộc các doanh nghiệp nhỏ phải mua lại nguyên liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp lớn, để chế biến, đáp ứng hợp đồng xuất khẩu đã kí kết. Nhưng việc mua lại nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu lại vướng Điểm a, Khoản 1, Điều 14 của Nghị Định 15/2018/NĐ-CP, là tiêu thụ nguyên liệu điều thô nhập khẩu tại thị trường nội địa, dù không dùng làm thực phẩm tại thị trường nội địa, ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) phân tích.
Cùng nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư kí Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, trên thực tế, từ hạt điều thô nhập khẩu cho đến thành phẩm nhân điều chế biến xuất khẩu, các nhà máy phải làm rất nhiều công đoạn mới có thể tạo ra sản phẩm hạt điều xuất khẩu chất lượng.
Vì vậy, tất cả các khâu kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện gắt gao trong từng công đoạn này. Xét đến cùng, đánh đồng nguồn nguyên liệu tạm nhập, hoặc mua/bán lại nguyên liệu tạm nhập này để phục vụ cho chế biến, đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, thì nguồn nguyên liệu này đến cuối cùng ra thành phẩm vẫn không được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Cái vướng mắt ở chỗ các chứng từ mua bán nội địa không nằm trong danh mục chứng từ nhập khẩu, khác mục đích sử dụng ban đầu là nhập rồi xuất, không phải nhập-bán lại-xuất nên đã gây khó khăn lớn cho ngành điều hiện nay.
Cần nhiều hướng mở
Từ năm 2006 đến nay, chế biến xuất khẩu điều trở thành ngành hàng chủ lực xuất khẩu, mang về kim ngạch hàng tỷ USD cho Việt Nam. Trong gần 30 năm phát triển, ngành điều và công nghệ chế biến điều của Việt Nam đã từng bước dẫn đầu thế giới với nhiều bước tiến máy tách vỏ, máy tách vỏ lụa, lựa hạt điều và nhiều công nghệ khác trong ngành điều, mà các quốc gia khác chưa tạo ra được.
Nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều trăn trở, nếu chỉ vì một cơ chế chính sách mà ngành điều bị kìm hãm, làm chậm tiến độ phát triển trong khi mục đích cuối cùng của nguyên liệu là phục vụ xuất khẩu thì gây tiếc nuối cho toàn ngành.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), các nước châu Phi xuất khẩu điều thô sang Việt Nam chưa nằm trong “Danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam."
Vì vậy, mặc dù điều thô châu Phi nhập khẩu về đều phải qua kiểm dịch mới được đưa vào chế biến nhưng dù với bất cứ lý do gì cũng không được chuyển bán nội địa, mà bắt buộc phải xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp vi phạm, có thể bị khép vào tội buôn lậu. Trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp, doanh nhân bị khởi tố, phải vào vòng lao lý vì vi phạm quy định này.
Doanh nghiệp vì bị “trói" bởi Nghị định 15 nên không thể chuyển tiêu thụ trong nước với hạt điều có nguồn gốc nhập khẩu từ châu Phi những khi xuất khẩu gặp khó, trong khi Nhà nước lại chịu áp lực về bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo hộ sản xuất của nông dân.
Vì vậy, Hiệp hội điều Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng đề án về điều nguyên liệu với những số liệu, phân tích cụ thể và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét mở rộng ra 3 nước châu Phi cung cấp điều thô lớn nhất cho ngành điều Việt Nam, để có thể cởi trói cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu lưu hành trong nước, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp điều liên quan tới điều thô nhập khẩu từ châu Phi, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước cũng đã có công văn về việc tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng điều gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, Tổng cục Hải quan và Đoàn Kiểm tra Công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong công văn, Cục Hải quan Bình Phước đề xuất: Cho phép hạt điều có nguồn gốc từ các nước châu Phi được tiêu thụ tại Việt Nam và có thể nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ ngành trồng điều trong nước.
Về góc độ Hiệp hội ngành hàng chế biến xuất khẩu có liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ, bản chất của nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu lưu hành tại thị trường nội địa vẫn là phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, không được dùng làm tiêu thụ thực phẩm nội địa, nên phía các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu có thể đề xuất thay đổi chứng từ cho các lô hàng lưu hành này với yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng, thay mục đích tạm nhập tái xuất thành tạm nhập-lưu hành thị trường nội địa phục vụ cho chế biến xuất khẩu, để nguồn nguyên liệu có bộ hồ sơ chứng từ “đẹp” trong truy xuất nguồn gốc, cũng cấp cho khách hàng, giống nguồn hàng cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu, phục vụ cho chế biến xuất khẩu./.