Tìm giải pháp đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phó Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng.
Tham dự hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp,” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 12/11, các đại biểu cho rằng dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thời gian qua còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, đề ra các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các bộ, ban, ngành.
Tuy nhiên, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch ở nước ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.
Vì vậy, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa thực tiễn cao, là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng trao đổi, thảo luận, tìm ra các khoảng trống pháp lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, với trên 9.100 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay năm 2022 khoảng 15.000 tỷ đồng, năm 2023 trên 20.000 tỷ đồng, 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, nợ quá hạn ở mức thấp (chiếm tỷ lệ khoảng 1,1% tổng dư nợ).
Là một trong những ngân hàng tích cực triển khai cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ông Võ Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BAC A BANK) cho biết đến nay, ngoài việc cho vay các dự án nông nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân hợp tác xã, ngân hàng hiện nay rất mong muốn cho vay các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, mang tính chất đột phá tạo hướng đi mới cho nền kinh tế. Chính vì thế đã thành lập hội đồng tư vấn đầu tư để tư vấn phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, áp dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ số, quản trị hiện đại...
Tiêu biểu ngân hàng đã tư vấn cho Tập đoàn TH đầu tư dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung ở Nghệ An với quy mô đầu tư 1,2 tỷ USD, trên tổng diện tích 37.000 ha đất và 200.000 con bò, trong đó 100.000 con cho sữa với kỹ thuật công nghệ hiện đại.
“Tín dụng xanh đang là xu thế và đang được khuyến khích nên sẽ có những ưu đãi, doanh nghiệp khi tiếp cận được nguồn vốn này sẽ được hưởng ưu đãi từ cơ chế chính sách và các gói tín dụng của ngân hàng, như: ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về thời gian vay và thời gian trả nợ,” ông Võ Văn Quang chia sẻ.
Ông Quang cho biết thêm, ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, ưu tiên về tiếp nhận và xử lý hồ sơ, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong chiến lược kinh doanh, Agribank luôn xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó giúp khách hàng tiếp cận vốn vay kịp thời để phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank đã đạt trên 35.000 tỷ đồng, với hơn 40.000 lượt khách hàng vay vốn (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại...).
Vẫn còn một số vướng mắc
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên các đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra rằng, việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thời gian qua còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Các khó khăn, vướng mắc có thể kể đến như các dự án nông nghiệp công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài, trong khi sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai.
Các tổ chức tín dụng khó khăn trong thẩm định và quyết định cho vay do số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện nay còn hạn chế; nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả, thị trường tiêu thụ không ổn định...; khó khăn trong việc giám sát sau cho vay; cho vay các hộ gia đình, doanh nghiệp nông nghiệp kém hấp dẫn, không khuyến khích được các tổ chức tín dụng tham gia do nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai.
Người dân, doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo.
Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ông Võ Văn Quang - Phó Tổng Giám đốc kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần có cơ chế thu hồi đất sử dụng không hiệu quả một cách quyết liệt để tập trung đất đai, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ “Tâm”, đủ “Tầm”, là lực lượng có đủ năng lực, tiềm lực về vốn, tài chính, về quản trị kinh doanh, về công nghệ, kỹ thuật, về tư duy thị trường sản phẩm để sắp xếp, tổ chức sản xuất, hướng dẫn và lôi kéo người dân đi theo cùng làm, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng.
Ngoài ra, các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Do vậy, đại diện BAC A BANK rất mong muốn Chính phủ và các bộ ngành quan tâm, đưa ra nhiều chính sách đến phát triển kinh tế rừng, xóa đói giảm nghèo."
Nhằm tăng cường khả năng cung ứng và tiếp cận vốn tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất cho lĩnh vực này.
Phó Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Phó Thống đốc cũng mong muốn các doanh nghiệp, hộ dân cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ số tự động hóa vào các quy trình sản xuất, kinh doanh./.