Tiểu thuyết 'Từ Việt Bắc về Hà Nội': Thời hoạt động cách mạng sôi nổi của Bác Hồ
Tác phẩm đưa người đọc "theo chân" lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Phó Giáo sư-Tiến sỹ-nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã ra mắt cuốn sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội.”
Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt liên kết xuất bản, phát hành.
Thông tin tới báo chí ngày 15/5, đại diện nhà phát hành cho hay đây là tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 5 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
Tập 3 là hành trình "theo chân" lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Chiều 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bối cảnh hiện thực đời sống của tập 3 diễn ra từ 1941 đến 1945, tình hình cách mạng Việt Nam tuy âm thầm bề ngoài nhưng sôi sục bên trong để chờ thời cơ bùng lên cơn bão táp lớn; tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, của chính quyền Quốc dân; các nhân vật quan trọng của Liên Xô, của Mỹ hiện diện ở Trung Quốc; diễn biến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2; gương mặt bạc nhược của một số chính khách của Việt Quốc, Việt Cách, Việt Nam Phục quốc quân đang lưu vong ở Trung Quốc…
Tập sách thứ 3 cung cấp thêm cho người đọc về những hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; những chuyến qua lại biên giới Việt-Trung như con thoi của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc; việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm, đày ải qua hàng chục nhà lao lớn nhỏ; hoàn cảnh ra đời của các bài thơ trong “Nhật ký trong tù”; tấm lòng quý mến của những người dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh; Người trở về nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945...
Ở phần cuối tập 3, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa thật xúc động, hào hùng không khí đất nước ta trước ngày Tổng khởi nghĩa.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” đặt ra ba thách thức đối với nhà văn.
Thách thức thứ nhất là lựa chọn các nhân vật, sự kiện, câu chuyện của Hồ Chí Minh, của lịch sử đất nước Việt Nam và thế giới trong giai đoạn Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước. Nếu không có khả năng lựa chọn và nối kết tư liệu, không có khả năng đời sống hóa tư liệu, nhà văn có nguy cơ trở thành một người chép lại chính sử một cách máy móc và do đó ít hiệu quả.
Thách thức thứ hai là nghệ thuật hóa các nhân vật, sự kiện và các câu chuyện liên quan đến nhân vật lịch sử mà nhà văn tạo dựng.
Thách thức thứ ba là “đời thường hoá” một vĩ nhân, đặc biệt vĩ nhân đó là Hồ Chí Minh, người yêu nước vĩ đại, nhà cách mạng lỗi lạc, danh nhân văn hoá thế giới kiệt xuất đồng thời là một con người đúng nghĩa với toàn bộ vẻ đẹp chân chính và lôi cuốn.
Theo ông Thiều, “đời thường hoá” một vĩ nhân trong tác phẩm của mình là công việc khó khăn nhất của nhà văn. Mọi chi tiết trong cuộc sống “đời thường” của Hồ Chí Minh phải chứa đựng những sinh hoạt thường nhật của một con người, vừa làm hiển lộ tư thế sống và tư tưởng của một vĩ nhân trong một cuộc sống chân thực, bình dị mà xúc động.
“Mỗi khi đọc những đoạn văn viết về những điều đó, tôi giống người quan sát tác giả Nguyễn Thế Kỷ đang đi trên dây giữa hai toà nhà. Mọi nguy hiểm có thể ập đến. Một cử chỉ, một câu nói, một suy nghĩ, những trạng thái cảm xúc, kể cả một bữa ăn hay một bộ quần áo của nhân vật nếu không chính xác sẽ làm lu mờ hình ảnh của nhân vật mà nhà văn đang xây dựng, đặc biệt là một nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh. Nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã đi qua,” ông Thiều nói.
Ngoài ra, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định đây là tiểu thuyết, vì vậy hư cấu là một yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên tác phẩm. Trong tập 1 và tập 2, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã thấu hiểu điều mình phải làm. Bởi thế ông đã đi qua được cả ba thách thức nói trên./.