Tiền gửi không kỳ hạn dần hồi phục dù lãi suất huy động giảm sâu
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng xu hướng lãi suất huy động hạ nhiệt hiện nay có thể tiếp tục hỗ trợ cho tỷ lệ CASA từ nay đến cuối năm.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm chạm "đáy" song trước bối cảnh thị trường khó khăn, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... sụt giảm nên nhiều người vẫn chọn ngân hàng gửi tiền nhàn rỗi.
Đây được xem là cơ hội cho các ngân hàng khi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trở lại.
CASA tăng trưởng trong quý 3
Với lãi suất gần như bằng 0, tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn luôn được các ngân hàng thương mại chú trọng trong huy động vốn bởi nó tạo ra nguồn vốn giá rẻ, giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Vì vậy, thu hút tiền gửi không kỳ hạn đã, đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ CASA cao được coi như một thành tích của ngân hàng.
Sau khi ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong quý 1 và 2, tỷ lệ CASA của hầu hết ngân hàng đã có tín hiệu tăng trở lại trong quý 3.
[Tín dụng đạt thấp, ngành ngân hàng tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng]
Hiện Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu về số dư tiền gửi không kỳ hạn với 400.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 29,5% tiền gửi của cả đơn vị này và là mức cao nhất trong 3 quý.
Tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng này bắt đầu giảm từ đầu năm nay. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại Vietcombank vào cuối quý 1 ghi nhận hơn 369.000 tỷ đồng, giảm hơn 30.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Tỷ lệ CASA ở mức 28,79% giảm nhẹ so với cuối năm 2022 (32,34%).
Khoản mục này tăng vào quý 2 nhưng tỷ lệ CASA vẫn giảm do tốc độ tăng của tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn mức tăng tổng tiền gửi khách hàng. Đây cũng là thực trạng chung của toàn hệ thống ngành ngân hàng. Sự dịch chuyển tại thời điểm đó xuất phát từ hai lý do, tiền gửi chuyển sang nhóm kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn và nhóm khách hàng doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động, giảm vay nợ.
Báo cáo của Techcombank cũng cho thấy tiền gửi của khách hàng đến quý 3/2023 đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và 7,1% so với quý trước. Số dư CASA tăng trong quý thứ 2 liên tiếp, đạt 137.600 tỷ đồng, tăng 3,2% so với quý 2/2023, dẫn dắt bởi CASA bán lẻ (tăng 4,9% so với quý trước).
Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại, đạt 271.500 tỷ đồng, ghi nhận tăng 9,2% so với quý trước và 20,1% so với đầu năm. Vì vậy, tỷ lệ CASA trong quý 3/2023 của Techcombank đứng ở mức 33,6%. Điều này cho thấy trong bối cảnh môi trường lãi suất đã bình thường trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn vì các cơ hội đầu tư ở các loại tài sản khác hiện vẫn còn hạn chế.
Mặc dù giảm nhẹ so với cuối quý 2, nhưng MB vẫn tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống, đạt 36% trong quý 3.
Tại MSB, tiền gửi khách hàng tăng 11% trong 9 tháng và đạt gần 130.000 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục duy trì lợi thế tiền gửi không kỳ hạn, ghi nhận tỷ lệ này đạt 27,7%, nằm trong tốp 4 ngân hàng cao nhất hệ thống. Theo MSB, tiền gửi khách hàng, đặc biệt là CASA tăng trưởng tốt do ngân hàng triển khai hiệu quả các sản phẩm có hàm lượng số hóa cao, phù hợp thị hiếu khách hàng.
SeABank cũng là một trong những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi khách hàng cao nhất trong quý 3, tăng 22% so với đầu năm 2023, đạt gần 141.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi CASA tăng từ gần 10.800 tỷ đồng lên hơn 23.600 tỷ đồng, chiếm một nửa số dư tiền gửi tăng thêm. Số dư CASA cao hơn giúp giảm áp lực trả lãi cho ngân hàng.
Thêm những tia sáng
Dữ liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cập nhật ngày 26/10 cho thấy dòng tiền nhàn rỗi của người dân tiếp tục chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm. Có ngân hàng ghi nhận huy động vốn dân cư tăng tới 60% trong 9 tháng.
Cụ thể, cuối tháng 8/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 147.000 tỷ đồng so với cuối tháng Bảy và tăng hơn 627.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Theo đó, tăng trưởng huy động tiền gửi của hệ thống trong Tám tháng đầu năm đạt 5,31%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) dự báo xu hướng giảm lãi suất trong 2 tháng cuối năm vẫn có thể xảy ra nhưng mức độ giảm không mạnh như giai đoạn trước, bởi nhu cầu tín dụng khôi phục cuối năm do yếu tố mùa vụ. Thứ hai là lãi suất hiện nay so với mặt bằng các năm đang ở mức khá thấp, nếu tiếp tục giảm nữa sẽ chạm vào ngưỡng lạm phát.
Ông Tùng phân tích về nguyên tắc lãi suất phải thực dương, nghĩa là lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát, vì vậy dự báo lãi suất sẽ đi ngang hoặc nếu giảm sẽ rất nhẹ.
Các chuyên gia tài chính cho rằng dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Trên thực tế, bất động sản vẫn trầm lắng, thị trường chứng khoán đến thời điểm này vẫn chưa xác định rõ xu hướng tăng giảm, thị trường trái phiếu vẫn đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư… Do đó, từ giờ đến cuối năm dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích: "Với tình hình lãi suất vẫn giảm như hiện nay, thông thường, lãi suất giảm thì huy động không còn hấp dẫn. Đấy là về mặt nguyên tắc, song thực tế tuỳ thuộc nhiều yếu tố như lạm phát hay tính hấp dẫn ổn định so với các kênh đầu tư khác gồm vàng, chứng khoán, bất động sản, hay ngoại tệ tại thời điểm đó. Hiện có thể thấy, tiền gửi vẫn có sự ổn định bởi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng có sự tăng giá nhưng lại không mang tính ổn định và chênh lệch khá cao so với thế giới, ngoại tệ có khả năng tăng nhưng không có sự bảo đảm."
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng xu hướng lãi suất hạ nhiệt hiện nay có thể tiếp tục hỗ trợ cho tỷ lệ CASA từ nay đến cuối năm. Để nâng tỷ lệ CASA lên, ông Hiếu cho rằng dịch COVID-19 khiến thói quen của khách hàng thay đổi, nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng hơn rất nhiều, mà CASA thì có đặc điểm là không ổn định, người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nếu một ngân hàng không chú trọng phát triển dịch vụ số, kết nối được nhiều hệ sinh thái hơn phục vụ cho những nhu cầu phong phú của khách hàng thì tự khắc là họ sẽ lựa chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn hoặc rút tiền ra để đầu tư những kênh khác và CASA sẽ sụt giảm./.