Tiền gửi giảm mạnh, cổ phiếu của First Republic Bank giảm hơn 50%
Giá trị vốn hóa thị trường của First Republic Bank hiện chỉ khoảng 654 triệu USD, mức sụt giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao là tháng 11/2021 khi ngân hàng này có vốn hóa hơn 40 tỷ USD.
Ngày 28/4, giá cổ phiếu của ngân hàng First Republic Bank tiếp tục lao dốc trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán về tương lai mờ mịt của ngân hàng sau khi lượng tiền gửi giảm mạnh.
Giá cổ phiếu của First Republic Bank đóng cửa phiên ở mức 3,51 USD, giảm 43% sau khi có thời điểm mất hơn 50% trong phiên và nhiều lần ngừng giao dịch do biến động quá mạnh.
Giá trị vốn hóa thị trường của First Republic Bank hiện chỉ khoảng 654 triệu USD, mức sụt giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao là tháng 11/2021 khi ngân hàng này có vốn hóa hơn 40 tỷ USD.
Ngày 24/4, First Republic Bank cko hay khách hàng đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong quý 1/2023.
Ngân hàng cũng cho biết, tình hình tiền gửi đã ổn định sau khi 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ đã gửi 30 tỷ USD vào First Republic Bank vào giữa tháng Ba, đồng thời ngân hàng này đang "theo đuổi các lựa chọn chiến lược".
Nhiều hãng tin đã dự đoán về khả năng có các gói giải cứu tiềm năng liên quan đến các ngân hàng khác. Nhưng cho đến nay First Republic Bank không có động thái nào mới. Ngân hàng này rơi vào tầm ngắm của giới quan sát sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ làm lên lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ lan rộng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) mới đây công bố bản đánh giá về sự sụp đổ của SVB đồng thời kêu gọi siết chặt giám sát khối ngân hàng.
[Khách hàng rút hơn 100 tỷ USD khỏi First Republic Bank]
Nhà phân tích Alexander Yokum của công ty nghiên cứu CFRA Research chỉ ra hai kịch bản có khả năng xảy ra nhất là First Republic Bank sẽ bị rao bán sau khi được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản, hoặc First Republic Bank phải bán tài sản của mình cho các tổ chức tài chính khác.
Nhưng vấn đề là giá trị âm của các khoản vay của First Republic Bank sẽ dẫn đến tổn thất về giá trị đối với các người mua tiềm năng, khiến thương vụ mua lại ngân hàng này không hấp dẫn.
Hơn nữa, Chính phủ Mỹ có sẵn sàng đi xa hơn trong việc giải cứu lĩnh vực ngân hàng vào thời điểm này hay không.
Trước đây, chính phủ liên bang chỉ bảo hiểm số tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống cho mỗi khoản tiền gửi ngân hàng. Nhưng sau vụ chấn động vào tháng Ba, FDIC và Fed đã quyết định bảo hiểm cả các khoản tiền gửi trên 250.000 USD để ngăn chặn làn sóng rút tiền tại các ngân hàng khác.
Cựu Chủ tịch FDIC Sheila Blair cho biết, với động thái đó, chính phủ đã vô tình tạo ra kỳ vọng rằng bất kỳ ngân hàng nào gặp khó khăn trong tương lai, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm vẫn sẽ được bảo vệ. Nếu lần này chính phủ không hành động tương tự, tâm lý hoảng loạn có thể lớn hơn lần trước./.