Tiền Giang: Kết nối thị trường cho trái thanh long xuất khẩu
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, huyện ven biển Gò Công Đông đã chuyển trên 100ha đất ven biển sang trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, thanh long được xác định là một trong những chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế tại Tiền Giang.
Vậy nên, tỉnh chủ trương mở rộng vùng trồng thanh long xuất khẩu lên gần 9.700 ha, chủ yếu trồng giống thanh long ruột đỏ. Trong số đó, có gần 7.500 ha đang cho trái, năng suất đạt bình quân gần 35 tấn/ha, sản lượng mỗi năm trên 260.000 – 280.000 tấn quả cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thanh long chịu hạn, thích nghi với thổ nhưỡng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, canh tác khó khăn, trọng điểm là vùng ngọt hóa Gò Công, vùng ven biển huyện Gò Công Đông, vùng Đồng Tháp Mười,…
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, huyện ven biển Gò Công Đông đã chuyển trên 100 ha đất ven biển sang trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao.
Diện tích trên tập trung tại xã Kiểng Phước. Gò Công Đông đang đặt mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ lên 250 ha, gấp đôi hiện nay.
Huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu trên 7.700 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) trồng được gần 1.000 ha, sản lượng hàng năm vào khoảng 20.000 tấn sản phẩm.
Lãnh đạo huyện Chợ Gạo cho biết, địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thanh long Chợ Gạo.”
Tại vùng chuyên canh, huyện hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Tiền Giang chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hình thành các hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại vùng chuyên canh. Qua đó, chuyển giao khoa học công nghệ thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, khuyến khích nông dân xử lý cho trái rải vụ tránh tình trạng “trúng mùa, mất giá” vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường có yêu cầu cao khác.
Tỉnh có 18 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long, thu hút gần 2.300 thành viên, 80 kho lạnh bảo quản nông sản với công suất 16.000 tấn, trên 2.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Trong năm qua, tổng doanh thu của các hợp tác xã trên lĩnh vực thanh long đạt trên 257 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Những hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo mô hình chuỗi giá trị với sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn/ năm. Cụ thể như: Hợp tác xã Nông nghiệp – dịch vụ Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo), Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát (Chợ Gạo),..liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên rau quả Mê Kông, Công ty Công nghệ thực phẩm THABICO… tiêu thụ thanh long xuất khẩu
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Tiền Giang quan tâm gắn kết vùng chuyên canh với xúc tiến thương mại, kết nối thị trường xuất khẩu.
Tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung liên kết theo mô hình chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác.
Đến nay, tỉnh được cấp 77 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu với diện tích 6.090 ha, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc được cấp 33 mã số với gần 5.500 ha thanh long, còn lại sang các thị trường khác như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia...
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi chia sẻ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu đối với sản phẩm thanh long tỉnh Tiền Giang.
Phát huy vai trò kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, Sở đã kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã những thay đổi về chính sách, quy định thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ; nhất là ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số nhằm liên doanh, liên kết, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang khẳng định, trong thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho trái thanh long xuất khẩu thông qua các hoạt động cụ thể như: tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa trong và ngoài nước; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Sở Công Thương khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sản phẩm thanh long chủ động nghiên cứu chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư dây chuyển hoặc kho lạnh hiện đại bảo quản nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; mạnh dạn chuyển đổi từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro vừa tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Nhờ những nỗ lực của các ngành chức năng địa phương, gần đây, thanh long tiêu thụ thuận lợi, giá luôn giữ ở mức cao, người trồng lãi khá, an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh.
Trong những ngày cuối năm 2023, giá thanh long ruột đỏ vọt lên trên dưới 40.000 đ/kg, thanh long ruột trắng cũng có giá 14.000 đ đến 16.000 đ/kg, cao gấp ba lần cùng kỳ. Nông dân vùng chuyên canh lãi từ 200 đền 300 triệu đồng/ ha.
Theo ông Trịnh Văn Phúc, ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông), việc áp dụng khoa học công nghệ thâm canh, nhất là xử lý cho trái rải vụ nhằm tránh thời điểm thu hoạch rộ đã mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Gia đình ông có 1 ha thanh long ruột đỏ, trung bình mỗi năm đạt sản lượng 25 tấn quả, lãi ròng khoảng 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa bấp bênh.
Ông Huỳnh Phi Sơn, ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước khai hoang trồng 5 ha thanh long ruột đỏ trong Đồng Tháp Mười cho biết, ông áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ theo khuyến cáo, mỗi năm thu hoạch 6 đợt thanh long, trừ chi phí thu lợi nhuận từ 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/ năm. Sau dăm năm gắn bó với cây thanh long trên miền đất mới Đồng Tháp Mười, ông tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, trở thành tỷ phú nông thôn.
Là cây trồng đặc sản cho lợi nhuận chỉ đứng sau cây sầu riêng, thanh long đã giúp những địa bàn thường xuyên nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc hạn hán đe dọa như: vùng Đồng Tháp Mười, vùng ven biển Gò Công, vùng ngọt hóa Gò Công…của tỉnh Tiền Giang phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nông nghiệp – nông thôn đổi mới, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.