Tiến độ triển khai nhà ở xã hội trên cả nước tính đến tháng 1/2025

Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030,” đến nay, cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 581.218 căn.

Theo Bộ Xây dựng, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, phát triển nhà ở xã hội được xem là một trong những giải pháp “nòng cốt” để giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định. Vì vậy, chăm lo giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp đã và đang được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030,” đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 581.218 căn.

Trong số đó, có 96 dự án với quy mô 57.652 căn đã hoàn thành; 135 dự án với quy mô 115.630 căn đã khởi công xây dựng; 414 dự án với quy mô 407.936 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Riêng trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành, tăng khoảng 46% so với năm 2023. Ngoài ra, 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng và 113 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tương đương 142.450 căn.

Cũng theo ông Sinh, tính đến tháng 1/2025, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện quy hoạch, dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội.

Cụ thể, cả nước đã quy hoạch hơn 1.309 khu đất với 9.756 ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…

Đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng (trong đó có khoảng 2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án).

“Mặc dù đã đạt được những kết quả như trên, tuy nhiên trong thời gian qua, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là bởi các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý trong việc triển khai thực hiện,” ông Sinh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ông Sinh cho rằng vẫn còn có tâm lý e ngại, chờ đợi các quy định pháp luật mới được ban hành (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản với các quy định thông thoáng hơn có hiệu lực thi hành mới triển khai thực hiện). Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cũng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.

Trước thực tế trên, ông Sinh cho rằng để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao từ các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cũng như doanh nghiệp.

Gần đây, đầu năm 2025, Bộ Xây dựng cũng đã báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững - thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân hiện nay.

Trong năm 2025, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương dành nhiều quỹ đất hơn để phát triển nhà ở xã hội, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100.000 căn hộ trong năm 2025 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao./.