Thụy Điển mở đường cho việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới
Thụy Điển đang thúc đẩy dự luật mới nhằm bỏ giới hạn tối đa 10 lò phản ứng hạt nhân tại nước này và yêu cầu các lò phản ứng hạt nhân mới phải được xây dựng ở cùng địa điểm với các lò hiện có.
Chính phủ Thụy Điển ngày 9/8 cho biết nước này sẽ bỏ giới hạn trần về số lượng lò phản ứng hạt nhân và đơn giản hóa quy trình cấp phép xây dựng các lò phản ứng mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Khí hậu Thụy Điển Romina Pourmokhtari cho rằng: “Quá trình chuyển đổi năng lượng để chống biến đổi khí hậu đòi hỏi phải tăng gấp đôi sản lượng điện trong 20 năm tới.”
Chính vì vậy, Chính phủ Thụy Điển mong muốn các lò phản ứng hạt nhân mới có thể sản xuất lượng điện tương đương với công suất của 10 lò phản ứng hạt nhân thế hệ cũ và sẽ đưa vào sử dụng trong thập niên 2030 và 2040.
Theo vị Bộ trưởng này, Thụy Điển đang thúc đẩy dự luật mới nhằm bỏ giới hạn tối đa 10 lò phản ứng hạt nhân tại nước này và yêu cầu các lò phản ứng hạt nhân mới phải được xây dựng ở cùng địa điểm với các lò hiện có.
Cùng với đó, quy trình cấp phép cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới cũng được đơn giản hóa.
Bà Pourmokhtari cho biết dự luật trên đã được soạn thảo và dự kiến trình quốc hội nước này xem xét vào mùa Thu tới.
Quốc gia vùng Scandinavia từng tổ chức trưng cầu ý dân vào năm 1980 để phục vụ kế hoạch dần loại bỏ năng lượng hạt nhân.
[Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng]
Kể từ đó, Thụy Điển đã đóng cửa 6 trong số 12 lò phản ứng của nước này và những lò còn lại nằm ở 3 nhà máy điện hạt nhân, tạo ra khoảng 30% lượng điện sử dụng nội địa.
Hiện tại, Thụy Điển đang phải vật lộn để tìm các nguồn năng lượng khả thi nhằm thay thế năng lượng hạt nhân do năng lượng tái tạo vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nước này.
Vào năm 2016, đa số chính trị gia của Thụy Điển ủng hộ việc tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân trong tương lai gần, mở đường cho kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới thay thế những lò cũ đã hết tuổi thọ.
Các lò phản ứng hạt nhân của Thụy Điển được đưa vào sử dụng từ những năm 1970 và 1980. Hầu hết chúng đều có tuổi thọ khoảng 40 năm và cần được hiện đại hóa.
Ngay sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2022, chính phủ liên minh cánh hữu của Thủ tướng Ulf Kristersson đã đặt ra mục tiêu xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Điển cũng điều chỉnh chính sách năng lượng, theo đó thay đổi mục tiêu 100% năng lượng "tái tạo" thành 100% năng lượng "không hóa thạch"./.