Thượng viện Pháp bỏ phiếu phản đối thỏa thuận thương mại tự do EU-Canada
Sau những bất đồng hiếm thấy ở Thượng viện, ngày 21/3, các thượng nghị sỹ đã bỏ 211 phiếu phản đối và 44 phiếu ủng hộ CETA, sau đó xác nhận việc bác bỏ thỏa thuận bằng cuộc bỏ phiếu thứ hai.
Thượng viện Pháp hôm 22/3 đã bỏ phiếu áp đảo phản đối thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada, còn gọi là CETA.
CETA đã có hiệu lực tạm thời từ năm 2017, nhưng cần phải được tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn để có hiệu lực đầy đủ.
Những người ủng hộ hiệp định này cho biết xuất khẩu của Pháp sang Canada đã tăng 33% từ năm 2017 đến năm 2023, trong khi nhập khẩu tăng 35% nhờ thỏa thuận này.
Chính phủ Pháp cho biết các nhà sản xuất rượu vang và sữa của Pháp là những người được hưởng lợi nhiều nhất.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt là về vấn đề an toàn thực phẩm, khi các nhà phê bình chỉ ra cách tiếp cận lỏng lẻo hơn của Canada đối với các sinh vật biến đổi gen, hormone, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, cũng như các tiêu chuẩn thấp hơn về phúc lợi động vật so với EU.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc Hạ viện phê chuẩn CETA vào năm 2019 nhưng cần có sự ủng hộ của Thượng viện để phê chuẩn. Ông Macron từng cho rằng việc không phê chuẩn CETA là “gây thiệt hại cho nền kinh tế và nền nông nghiệp của Pháp.”
Sau những bất đồng hiếm thấy ở Thượng viện, ngày 21/3, các thượng nghị sỹ đã bỏ 211 phiếu phản đối và 44 phiếu ủng hộ CETA và sau đó xác nhận việc bác bỏ thỏa thuận bằng cuộc bỏ phiếu thứ hai.
Ông Bruno Retailleau, lãnh đạo Đảng Cộng hòa (LR) tại Thượng viện, cho biết: “Chúng tôi cần các hiệp định thương mại tự do, nhưng không gây tổn hại đến chủ quyền của chúng tôi, đặc biệt là về lương thực.”
Quyết định trên của Thượng viện nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà sản xuất Pháp. Ông Patrick Benezit, thuộc Hiệp hội nông dân chăn nuôi bò quốc gia- đại diện cho nông dân chăn nuôi bò lấy thịt, cho biết đây là tin tốt.
Ông nói rằng, các Thượng nghị sỹ đã đưa ra “lựa chọn đúng đắn khi không phê chuẩn một hiệp ước cho phép các sản phẩm thực phẩm không tuân thủ các điều kiện sản xuất của chúng tôi.”
Nhưng ông Nicolas Ozanam, thuộc Liên đoàn các nhà xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh, cho biết quyết định này có vẻ "hoàn toàn không phù hợp" vì CETA cho đến nay đã thúc đẩy doanh số bán hàng ra nước ngoài của họ.
Giống như tất cả các thỏa thuận thương mại của EU, CETA đã được Ủy ban châu Âu đàm phán nhưng cũng cần có sự chấp thuận của từng quốc gia thành viên EU.
Theo quy định của EU, việc một quốc gia bác bỏ thỏa thuận chỉ có hiệu lực nếu chính phủ của quốc gia đó chính thức thông báo cho EU./.