Thượng viện Mỹ thúc đẩy dự luật củng cố ngành công nghiệp bán dẫn

Theo đề xuất, dự luật sẽ cung cấp 20 tỷ USD cho ban giám đốc công nghệ của Quỹ Khoa học quốc gia và 10 tỷ USD cho Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với tỷ lệ 64 phiếu thuận và 32 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 26/7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cung cấp 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và 81 tỷ USD cho Quỹ Khoa học Quốc gia, cũng như bổ sung 25% tín dụng thuế đầu tư cho sản xuất chất bán dẫn.

Cuộc bỏ phiếu trên đã khiến dự luật bán dẫn tại Mỹ tiến gần đến vạch đích sau hơn 1 năm thương thảo.

Thượng viện Mỹ đã thông qua phiên bản đầu tiên của dự luật vào tháng 6/2021, nhưng đã bị đình trệ sau khi đảng Dân chủ tại Hạ viện đã phản đối một số điều khoản và các cuộc đàm phán hội nghị giữa hai viện không đạt được sự nhất trí những tuần gần đây.

Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Charles Schumer đã thúc đẩy sự tiến triển của dự luật, khi loại bỏ một số điều khoản bị phản đối, gồm một gói các điều khoản thương mại do Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện Ron Wyden và Thượng nghị sỹ Mike Crapo đề xuất hồi năm ngoái.

[Chính phủ Mỹ hối thúc Quốc hội thông qua gói trợ cấp 52 tỷ USD]

Phát biểu tại Thượng viện trước cuộc bỏ phiếu, ông Schumer khẳng định đây là một bước tiến quan trọng đối với an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, chuỗi cung ứng của Mỹ và trên thực tế là vì tương lai của nước Mỹ.

Đáng chú ý, đã có tới 17 thượng nghị sỹ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật này, gồm lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell.

Theo đề xuất, dự luật sẽ cung cấp 20 tỷ USD cho ban giám đốc công nghệ của Quỹ Khoa học quốc gia và 10 tỷ USD cho Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia.

Dự luật sẽ ủy quyền cho một số chương trình của NASA, chẳng hạn như Chiến dịch thám hiểm Mặt trăng tới sao Hỏa của Artemis, bảo trì Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đến năm 2030 và hỗ trợ các ưu tiên khoa học của NASA.

Đồng thời, dự luật cũng sẽ tài trợ 50 tỷ USD trong 5 năm cho Quỹ CHIPS và 11 tỷ USD trong 5 năm cho các chương trình nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động của Bộ Thương mại Mỹ./.

Bùi Đại Thắng (TTXVN/Vietnam+)