Thưởng thức những giai điệu quyến rũ trong đêm nhạc Tchaikovsky và Strauss

Dưới sự dàn dựng và chỉ huy của Nhạc trưởng Lê Phi Phi, khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thưởng thức những giai điệu vượt thời gian của hai nhà soạn nhạc tài ba Tchaikovsky và Strauss.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đêm nhạc Pyotr Tchaikovsky và Richard Strauss sẽ diễn ra tối 29/6 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) thực hiện.

Đêm nhạc trở nên đặc biệt khi có sự tham gia dàn dựng, chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi và trình diễn của hai solists tài năng: Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Khánh Ngọc (giọng nữ cao), nghệ sỹ clarinet Hoàng Ngọc Anh Quân.

Trong đêm nhạc, khán giả sẽ được thưởng thức những giai điệu vượt thời gian của 2 nhà soạn nhạc tài ba. Trong đó, Richard Strauss được mệnh danh là “ông vua của điệu Waltz,” âm nhạc của ông mang nhiều gam màu sắc tươi tắn và rực rỡ nhưng vẫn đầy nét trữ tình.

Sự nghiệp sáng tác của Strauss gắn liền với giao hưởng thơ và opera (nhạc kịch). Còn âm nhạc của nhà soạn nhạc người Nga - Pyotr Tchaikovsky tràn đầy năng lượng, thấm nhuần tình yêu dân tộc Nga.

Hành trình âm nhạc bắt đầu từ bản “Festmarsch” cung Mi giáng, Op.1 được xuất bản vào năm 1876 và công diễn đầu tiên khi Strauss mới 16 tuổi.

Tác phẩm này đã góp phần làm nên tên tuổi của một nhạc sỹ trẻ. Nối tiếp là những giai điệu ngọt ngào, bay bổng của bản “Romance cho clarinet và dàn nhạc,” vẽ nên một khung cảnh âm thanh sống động và quyến rũ.

Tác phẩm được viết vào năm 1879 và là nỗ lực đầu tiên của Strauss trong việc hoàn thành tác phẩm có nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc. Tác phẩm này sẽ do nghệ sỹ clarinet Hoàng Ngọc Anh Quân trình diễn.

Trước khi qua đời, Strauss để lại tác phẩm huyền thoại “Four last songs” dành cho giọng nữ cao và dàn nhạc. Từ lần công diễn đầu tiên vào năm 1950, tác phẩm đã tạo tiếng vang lớn và trở thành tác phẩm thường xuyên được biểu diễn cho đến tận ngày nay.

Lời ca là 4 bài thơ: Frühling (Mùa Xuân), September (Tháng Chín), Beim Schlafengehen (Lúc đi ngủ) và Im Abendrot (Lúc chạng vạng).

Giai điệu lượn sóng với hòa âm bán cung tinh tế càng làm nổi bật sắc thái của ca từ. Tác phẩm đầy sự gợi cảm và hoài niệm này sẽ do Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Khánh Ngọc trình bày.

Kết thúc hành trình âm nhạc, khán giả sẽ được thưởng thức bản giao hưởng số 4 cung Fa thứ của Tchaikovsky. Mở đầu bằng môtíp mạnh mẽ, kèn horn và clarinet trong chương 1 chiếm vị trí chủ đạo, giai điệu có phần ưu tư.

Chương 2 được thể hiện rõ nét bởi kèn oboe với tiếng đệm pizzicato từ dàn dây. Chương 3 mang lại cảm giác thư thái và nhẹ nhàng, đậm tính chất các điệu múa ballet.

Với những nốt nhạc dồn dập và chóng mặt, chương 4 gợi nhắc một lễ hội vui vẻ...

Nhạc trưởng Lê Phi Phi sinh ra tại Hà Nội và đang định cư tại Skopje (Macedonia). Dưới sự dìu dắt và thừa hưởng niềm say mê âm nhạc từ cha, Lê Phi Phi học piano từ nhỏ, học chỉ huy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau đó, anh du học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), tốt nghiệp Thạc sỹ âm nhạc chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng và vũ kịch vào năm 1993.

Anh được mời làm nhạc trưởng và giảng viên âm nhạc tại Skopje, liên tục biểu diễn, cộng tác dàn dựng với nhiều nghệ sỹ, dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, nhà hát nhạc vũ kịch danh tiếng ở châu Âu./.