Thượng nguồn dày đặc các nhà máy thủy điện công suất nhỏ
Trước thông tin hàng loạt thủy điện có thể được đầu tư xây dựng ở thượng nguồn khiến người dân địa phương lo lắng, phóng viên TTXVN có loạt bài ghi nhận về vấn đề này.
Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) là xã miền núi xa nhất của tỉnh Phú Yên và cũng là thượng nguồn của dòng sông Kỳ Lộ với chiều dài hơn 120km chảy qua huyện Đồng Xuân và Tuy An. Gần đây, nhà đầu tư đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên xây dựng thêm 3 thủy điện gồm Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2.
Mặc dù các dự án này phù hợp với quy hoạch nhưng các cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Yên đang rất thận trọng trong thẩm định.
Trước thông tin hàng loạt thủy điện có thể được đầu tư xây dựng, người dân địa phương cũng tỏ ra lo lắng, phóng viên TTXVN có loạt bài ghi nhận về vấn đề này.
Thượng nguồn sông Kỳ Lộ ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) có thể phải "gánh" thêm ba nhà máy thủy điện công suất nhỏ. Đáng chú ý, các thủy điện này được xây dựng rất gần nhau.
Việc cùng một lúc xây dựng hàng loạt thủy điện khiến cho người dân từ thượng nguồn cho đến hạ du lo lắng về khả năng điều tiết nước trong mùa lũ cũng như mùa khô.
Chưa có trong danh mục ưu tiên
Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, các nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư cùng một lúc 3 nhà máy thủy điện trên địa bàn xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân gồm: Thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2.
Cả 3 dự án nhà máy thủy điện này đều dự kiến thực hiện các thủ tục đầu tư từ quý 4/2024 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý 1/2027.
Nhà máy thủy điện Khe Cách do Công ty cổ phần Thủy điện Khe Cách đề xuất có công suất thiết kế 12MW; sản lượng điện sản xuất 38,6 triệu kwh/năm; tổng mức vốn đầu tư 426 tỷ đồng.
Diện tích đất sử dụng hơn 21,2ha ở các tiểu khu 57, 67 và 68; chiều dài đường ống dẫn nước hơn 5,5km; chiều dài đường phục vụ thi công khoảng 1,5km.
Quy mô kiến trúc xây dựng là đập dâng nước, hồ chứa nước, tuyến năng lượng, đường nội bộ dự án, nhà máy-trạm biến áp công suất 32MVA 110/22/6,3kV và đường dây 110kV ACSR-185mm2 đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 110kV Nhà máy thủy điện La Hiêng 2.
Công ty cổ phần Thủy điện Khe Cách cũng đề xuất đầu tư xây dựng đề xuất xây dựng hai nhà máy thủy điện khác gồm Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2.
Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 có công suất 10MW; sản lượng điện 29,05 triệu kwh/năm; tổng mức vốn đầu tư 340 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng khoảng 85ha gồm đất rừng sản xuất, đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
Quy mô kiến trúc xây dựng gồm: đập dâng nước, hồ chứa nước, tuyến năng lượng, đường nội bộ dự án,nhà máy-trạm biến áp công suất 2x6MVA 22/6,3kV và đường dây 22kV ACSR-185mm2 đấu nối chuyển tiếp trên xuất tuyến 472 trạm cắt Đồng Xuân cấp điện cho xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân.
Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 2 có công suất thiết kế 14MW; sản lượng điện 44,95 triệu kwh/năm; tổng mức vốn đầu tư 476 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng 55,6ha đất rừng sản xuất tại các tiểu khu 59, 67, 68, 73, 74 xã Phú Mỡ.
Quy mô kiến trúc xây dựng gồm: đập dâng nước, hồ chứa nước, tuyến năng lượng, đường nội bộ dự án, nhà máy-trạm biến áp công suất 2x8MVA-22/6,3kV và đường dây 22kV ACSR-185mm2 đấu nối tại thanh cái 22kV trạm biến áp 110kV Nhà máy thủy điện Khe Cách.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023) và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024), các dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 được đưa vào vận hành giai đoạn 2026-2030.
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023) tại mục 2 phần IV phương án phát triển mạng lưới cấp điện có nội dung: "nghiên cứu và phát triển các dự án tiềm năng gồm các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện sinh khối, các nhà máy điện rác..."
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương, quy định tại mục 5 phần III Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ghi rõ: “Trước khi thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nguồn điện chưa có trong danh mục dự án quan trọng, ưu tiên của ngành điện, lấy ý kiến Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan về sự phù hợp với quy hoạch.”
Hiện nay, các dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 chưa có trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên của ngành điện. Do đó, cần phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, các dự án dự án nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 cũng chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất của Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Xuân đã được duyệt theo Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 22/2/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên. Vậy nên chưa đủ cơ sở để thống nhất về chủ trương đầu tư dự án.
Tại xã Phú Mỡ đã có nhà máy thủy điện La Hiêng 2 đang hoạt động với công suất 18 MW gồm 2 tổ máy với sản lượng điện hàng năm khoảng 68,12 triệu kWh.
Như vậy, nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2, đầu nguồn sông Kỳ Lộ sẽ có 4 nhà máy thủy điện cùng hoạt động.
Để tìm hiểu thêm về các dự án thủy điện này, Cơ quan Thường trú TTXVN tại tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị cung cấp thông tin trước ngày 20/9/2024. Tuy nhiên đến nay, nhà đầu tư chưa phản hồi.
Một người đại diện đưa ra lý do đang bận vận hành xả lũ tại một số dự án khác tại các tỉnh phía Bắc nên chưa thể trả lời.
Mừng hay lo?
Việc các nhà đầu tư đề xuất xây dựng thủy điện sẽ đóng góp thêm sản lượng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh; đóng góp thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương...
Đây là điều người dân địa phương rất đáng mừng nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Đầu nguồn xây dựng các nhà máy thủy điện, người dân ở xã Phú Mỡ lo mất đất sản xuất. Người dân ở hạ lưu sông Kỳ Lộ luôn hiện hữu nỗi lo lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô...
Vì các dự án thủy điện chưa có trong quy hoạch sử dụng đất nên Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Xuân phải đưa vào dự thảo Quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2030. Ủy ban Nhân dân xã Phú Mỡ đã tổ chức lấy ý kiến công khai để hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Khi phóng viên đến Ủy ban Nhân dân xã Phú Mỡ làm thủ tục hành chính, ông La Chí Thảo ở thôn Phú Giang và nhiều người dân được cán bộ xã giải thích rõ về việc điều chỉnh quy hoạch này. Bản đồ thể hiện rõ vị trí đặt nhà máy, vị trí chạy đường ống nước qua các cánh rừng, rẫy lúa... Điều này khiến ông La Chí Thảo không khỏi lo lắng về việc mất đất sản xuất và ngập lụt.
"Tôi mừng vì đầu tư thủy điện sẽ có điện để thắp sáng và sản xuất. Nhưng cũng lo là sau này nước lũ lên cao người dân không biết chỗ nào để đi. Làm thủy điện nước tràn lan, mất hết đất sản xuất khi đó kinh tế sẽ sút giảm," ông La Chí Thảo băn khoăn.
Xuôi dòng sông Kỳ Lộ, phóng viên về thị trấn La Hai, hạ du của con sông này. Khi được chia sẻ về thông tin nhà đầu tư đề xuất xây dựng nhiều dự án thủy điện, người dân ở đây không khỏi lo lắng.
Là người sống bên sông Kỳ Lộ gần cả cuộc đời và có hơn 30 năm công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, ông Nguyễn Phi Hải, cán bộ hưu trí khẳng khái nói rằng không nên xây dựng thêm nhà máy thủy điện.
Ông Nguyễn Phi Hải lý giải, không nên xây dựng thêm các nhà máy thủy điện trên sông Kỳ Lộ vì hai lý do. Thứ nhất, hiện nay đã có nhà máy thủy điện La Hiêng và hồ chứa nước Phú Xuân (dung tích hơn 11 triệu m3).
Hai công trình này tích nước vào mùa khô và xả nước vào mùa lũ. Vào mùa lũ hai hồ chứa cùng xả nước về hạ du, khu vực xã Xuân Quang 3, thị trấn La Hai, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) và xã An Nghiệp, An Định (huyện Tuy An) đã ngập lụt nặng.
Thứ hai, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã ở hạ lưu đều sử dụng nước bơm từ dòng sông này. Nếu thêm 3 thủy điện cùng tích nước, dòng sông sẽ khô và không có nước phục vụ sản xuất. Hơn thế, sông Kỳ Lộ hiện đang bị bồi đắp nên việc trữ nước, điều tiết nước vào mùa khô là rất khó khăn.
Như để minh chứng cho nhận định của mình, ông Nguyễn Phi Hải và nhiều người dân đang sinh sống ở đây chỉ cho phóng viên thấy dòng sông Kỳ Lộ đang cạn trơ đáy và cột cảnh báo lũ ngay cạnh cầu sắt La Hai.
Họ cũng không quên dẫn chứng thêm về trận lũ thảm khốc năm 2009 đã "xóa sổ" xóm Trường (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) và khiến cho 18 người chết...
Thực tế hiện hữu và câu chuyện buồn trong quá khứ là điều đáng để các cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Yên lưu tâm; xem xét kỹ lưỡng việc cấp chủ trương đầu tư các dự án thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2./.
Bài cuối: Thẩm định cẩn trọng để tránh tác động đến môi trường và hạ du