Thương hiệu Tupperware - Từ thời hoàng kim đến kết thúc buồn
Tupperware nộp đơn xin phá sản ở Mỹ, một kết thúc buồn đối với công ty có một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất thế kỷ 20 và 21.
Tupperware Brands, thương hiệu từng đi tiên phong trong sản xuất hộp đựng thực phẩm bằng nhựa, đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ, một kết thúc buồn đối với công ty có một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất thế kỷ 20 và 21, do doanh thu thấp và cạnh tranh khốc liệt.
Công ty có trụ sở tại Florida cho biết đang nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 với tổng tài sản niêm yết từ 500 triệu đến 1 tỷ USD và nợ phải trả từ 1-10 tỷ USD, sau khi không thể đảm bảo một phương án tiếp quản khả thi do những khó khăn về tài chính.
Tupperware do ông Earl Tupper sáng lập vào năm 1942. Ông đã phát triển chiếc hộp nhựa đầu tiên của mình và bán ra thị trường vào năm 1946 với ý tưởng khuyến khích các bà nội trợ những năm 1950 tổ chức các bữa tiệc Tupperware để bán sản phẩm cho bạn bè và gia đình của họ.
Một trong những người chủ trì thành công nhất những bữa tiệc như vậy là bà Brownie Wise, người không chỉ quảng bá thương hiệu mà còn tạo dựng được đội ngũ bán hàng để thay mặt mình quảng bá sản phẩm.
Bà Wise trở thành Phó Chủ tịch của Tupperware Home Parties vào năm 1951 và khuyến khích ông Tupper loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này khỏi các cửa hàng. Sau đó, bà thành lập Tupperware Parties Inc.
Bà Wise ban đầu làm việc cho Stanley Home Products, công ty đi tiên phong trong phương pháp tổ chức tiệc bán hàng trực tiếp. Đó là một ý tưởng tiếp thị sau đó được nhiều công ty như Avon và Ann Summers áp dụng để khuyến khích phụ nữ bán các sản phẩm như đồ trang điểm trên mạng lưới cá nhân của họ.
Sự nổi tiếng của Tupperware đảm bảo cho việc mở rộng sang châu Âu và các sản phẩm này nhanh chóng trở thành một cái tên quen thuộc của các gia đình trên toàn thế giới.
Nhờ thành công của mình, thương hiệu này trở thành đồng nghĩa với tất cả các hộp đựng thức ăn bằng nhựa, giống như cách mà các thương hiệu như Kleenex, Xerox, Hoover, Coca-Cola và Velcro đã gắn liền với các sản phẩm phổ biến nhất của họ.
Tuy nhiên, dù sự nhận diện thương hiệu ngày càng tăng, mô hình bán hàng trực tiếp đã mất đi sự phổ biến trong thế kỷ 21. Năm 2003, công ty đóng cửa hoạt động tại Anh và Ireland do người tiêu dùng không hài lòng với mô hình bán hàng này.
Doanh số bán được cải thiện trong đại dịch COVID-19, nhưng điều đó không đủ để cứu công ty.
Khi người tiêu dùng bắt đầu lựa chọn các giải pháp thay thế có chi phí thấp hơn, số phận của Tupperware được định đoạt. Kết thúc đáng buồn của công ty một phần là do chất lượng cao của sản phẩm.
Sau khi mua sản phẩm của Tupperware, khách hàng có thể sẽ không cần phải mua thêm trong thời gian dài.
Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng giảm sử dụng đồ nhựa mà thay bằng các vật liệu thân thiện với môi trường hơn, đồng nghĩa với việc thị trường cao cấp hơn cũng rời xa thương hiệu này.
Một trong những lý do quan trọng khác khiến Tupperware lâm vào tình trạng khó khăn là sự thiếu kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi - một lực lượng mua sắm chính của thị trường hiện đại. Trong khi các đối thủ như Rubbermaid hay Ziploc đã nhanh chóng thích nghi và tận dụng xu hướng tiêu dùng mới, Tupperware lại chậm thay đổi.
Khách hàng trẻ ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn đến yếu tố bền vững và tính thẩm mỹ.
Việc Tupperware tiếp tục sản xuất các sản phẩm từ nhựa trong khi xu hướng bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ khiến thương hiệu này dần mất vị thế. Điều này càng trở nên rõ ràng khi người tiêu dùng trẻ có ý thức bảo vệ môi trường chọn những giải pháp thay thế thân thiện hơn với môi trường, như hộp đựng thực phẩm bằng thép không gỉ hay thủy tinh.
Susannah Streeter, giám đốc tiền tệ và thị trường tại nền tảng đầu tư Hargreaves Lansdown, đã phát biểu: "Bữa tiệc đã kết thúc đối với Tupperware". Điều này phản ánh rõ ràng việc thương hiệu không còn là lựa chọn hàng đầu của thế hệ trẻ./.