Thực hư tin ca sỹ Nga bị bắt vì phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine
Nhiều trang mạng xã hội đăng tin Công an thành phố Đà Lạt bắt ca sỹ đường phố người Nga do ông này phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, tuy nhiên đây là thông tin sai sự thật.
Ngày 3/5, Công an thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết thông tin "ca sỹ người Nga bị bắt tại Đà Lạt vì phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine" là sai sự thật.
Trước đó, từ ngày 1/5, nhiều trang mạng xã hội đã phản ánh thông tin Công an thành phố Đà Lạt bắt ca sỹ đường phố người Nga tại Quảng trường Lâm Viên do ông này căng biểu ngữ phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Theo thông tin chính thức từ Công an thành phố Đà Lạt, ngày 1/5/2022, Công an thành phố Đà Lạt phối hợp với lực lượng chức năng mời trường hợp người nước ngoài tên Propisnov Alexander (sinh năm 1981; quốc tịch Nga) lên làm việc để yêu cầu người này chấp hành đúng các quy định liên quan tới việc gia hạn hộ chiếu, thị thực.
Nguyên nhân là thị thực và hộ chiếu của ông Propisnov Alexander đã hết hạn, tuy nhiên ông này vẫn tới lưu trú tại các cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
[Lâm Đồng: Xử phạt người đăng tin sai sự thật về đầu tư vào Đam Rông]
Hành vi của ông Propisnov Alexander đã vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Sau khi làm việc, ông Propisnov Alexander đã nhận thức được hành vi sai phạm và đã di chuyển xuống Thành phố Hồ Chí Minh để hoàn tất các thủ tục gia hạn hộ chiếu, thị thực…
Tuy nhiên, qua theo dõi, Công an Đà Lạt phát hiện nhiều trang thông tin điện tử đã đưa ra nhiều thông tin phản ánh không đúng bản chất sự việc liên quan tới trường hợp của ông Propisnov Alexander.
Theo Công an thành phố Đà Lạt, các cá nhân đăng tải chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật liên quan tới vụ việc nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định hành vi đăng tải, tán phát thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt từ 2-7 năm tù…/.