Thực hiện tốt giám định pháp y tâm thần sẽ hạn chế khiếu nại vượt cấp

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nếu thực hiện tốt công tác giám định pháp y tâm thần và công tác điều trị bắt buộc sẽ hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo vượt cấp, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội.

Tiến sỹ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Nguồn: nhandan.vn)

“Lĩnh vực giám định pháp y tâm thần là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, cán bộ còn phải có kiến thức về pháp lý, kỹ năng giao tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.”

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại Hội nghị sơ kết công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh ngành Y tế 6 tháng đầu năm 2022, tổ chức tại Nghệ An, ngày 12/8.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Sở Y tế Nghệ an và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nếu thực hiện tốt công tác giám định pháp y tâm thần và công tác điều trị bắt buộc sẽ hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo vượt cấp, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội.

Hiện, công tác giám định pháp y tâm thần được giao cho bảy đơn vị, gồm: Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa và 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực.

Tính đến thời điểm này, nhân lực tại 7 tổ chức giám định pháp y tâm thần là 669 người, trong đó có 95 bác sỹ, 344 điều dưỡng, 28 dược sĩ và 192 người khác.

Toàn ngành có 60 giám định viên pháp y tâm thần. Với số lượng nhân lực như trên, trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức pháp y tâm thần đã thực hiện giám định pháp y tâm thần 2.947 vụ việc (864 vụ hình sự; 906 vụ án hành chính, vụ việc dân sự và 1.193 vụ việc giám định sức khỏe tâm thần).

Các vụ việc trên được thực hiện theo 1 trong 4 loại hình giám định: Giám định nội trú, giám định tại phòng khám, giám định tại chỗ, giám định trên hồ sơ.

Các đơn vị này, ngoài thực hiện chức năng do Bộ trưởng Bộ Y tế phân công, còn phải tuân thủ theo sự điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án hình sự…

Tuy nhiên, đối với Viện Pháp y tâm thần Trung ương và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, ngoài thực hiện giám định còn phải tiếp nhận điều trị bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP.

Việc điều trị bắt buộc chữa bệnh còn triển khai tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Tính đến nay, nhân lực thực hiện công tác bắt buộc chữa bệnh tại 5 đơn vị là 49 bác sỹ, 254 điều dưỡng. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, tại 4 đơn vị đã tiếp nhận, điều trị và quản lý 701 trường hợp (577 cũ chuyển sang và 124 vào mới 6 tháng đầu năm 2022); Số bỏ trốn lũy tích là 40 và 6 tháng đầu năm là 6 trường hợp; không có trường hợp tử vong; hiện tại đang điều trị 587 trường hợp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 không có bệnh nhân nào).

Tiến sỹ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh của các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở chật hẹp; các tòa nhà, phòng làm việc, phòng bệnh,… của các đơn vị đều sửa chữa cải tạo chắp vá, không đồng bộ, liên hoàn, đang quá tải, chưa đáp ứng tốt hoạt động công tác.

“Đối với công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh, các đơn vị không có khoa chuyên trách cho người bệnh bắt buộc chữa bệnh được thiết kế phù hợp. Việc quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh ở lẫn các bệnh nhân thông thường khác rất khó khăn do tính chất người bệnh bắt buộc chữa bệnh ngoài vấn đề tâm thần còn các nét nhân cách, tính cách của phạm nhân rất khó lường, nguy hiểm. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho người làm công tác quản lý điều trị bắt buộc chữa bệnh quá thấp, cần phải hưởng như Công an trại giam,” Tiến sỹ Cao Hưng Thái nhấn mạnh.

[Hà Nội: Truy nã đối tượng chuyên làm giả bệnh án tâm thần]

Đại diện Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh như người bệnh tâm thần khác không được phân biệt đối xử, do cơ quan y tế đảm nhiệm kể cả việc tìm kiếm là chưa hợp lý.

Trên thực tế, đối tượng người bệnh bắt buộc chữa bệnh thực tế là phạm nhân bị bệnh tâm thần, phần lớn là đối tượng xã hội phức tạp, nguy hiểm. Việc giao trách nhiệm quản lý đối tượng người bệnh này cho nhân viên y tế như hiện nay thực sự là nhiệm vụ quá sức và chưa phù hợp, tạo áp lực rất lớn cho nhân viên y tế.

Thực tế, nhiều vụ việc xảy ra trong thi hành bắt buộc chữa bệnh đều liên quan trực tiếp tới công tác quản lý người bệnh, áp lực trách nhiệm và lo sợ mất an toàn cho bản thân và gia đình làm nhiều nhân viên y tế không muốn, thậm chí sợ hãi phải tiếp nhận điều trị đối tượng này.

Khi người bệnh trốn viện, việc tổ chức tìm kiếm của nhân viên y tế chỉ thực hiện được ở mức như tìm kiếm người bệnh tâm thần trốn viện. Việc yêu cầu quyết liệt truy tìm như truy nã phạm nhân trốn trại đối với nhân viên y tế thực sự là quá sức và rất nguy hiểm, rất cần sự tham gia chủ đạo của cơ quan công an, Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp.

Trong 11 năm triển khai thực hiện Nghị định 64/2011/NĐ-CP, các đơn vị thực hiện công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh đã phản ánh rất nhiều bất cập của Nghị định; Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về các bất cập của văn bản và đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung văn bản này cho phù hợp thực tiễn.

Tại Hội nghị, các đại biểu mong muốn hãy để các bác sỹ là “chiến sỹ áo trắng” đúng nghĩa, điều trị người bệnh, còn việc bảo vệ, giám sát điều trị các đối tượng điều trị bắt buộc chữa bệnh, trước mắt cần có sự phối hợp với các cơ quan công an giúp Bệnh viện về quản lý phạm nhân bắt buộc chữa bệnh.

“Về lâu dài phải sửa Nghị định 64/2011/NĐ-CP theo hướng hoặc chuyển các cơ sở quản lý, điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh về các cơ sở y tế của Bộ Công an, ngành Y tế sẽ phối hợp công tác chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Tâm thần hoặc giao cơ quan Công an nơi có cơ sở quản lý, điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh đóng tham gia bảo vệ tại các cơ sở này,” các đại biểu tại Hội nghị đề xuất.

Cũng trong chiều 12/8, Đoàn Kiểm tra công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh do Tiến sỹ Cao Hưng Thái làm Trưởng đoàn đã kiểm tra tại Phân viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung.

Cùng đi với đoàn có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Vụ Pháp chế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, Cục Bổ trợ tư pháp- Bộ Tư pháp, Vụ 8-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

bác sỹ Phan Kim Thìn, Phó Viện trưởng kiêm Phân viện Trưởng cho biết: Phân viện pháp y tâm thần Bắc Miền Trung-Viện Pháp y tâm thần trung ương có nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp cho 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Phân viện hiện có 38 cán bộ, trong đó chỉ có 2 giám định viên và được giao 50 giường kế hoạch.

Từ khi thành lập vào năm 2019 đến nay, Phân viên đã giám định pháp y tâm thần cho 190 đối tượng cho 190 vụ án; giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức theo quy định của Luật giám định tư pháp với 49 trường hợp vụ việc khác nhau.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Phân viện đã khám, giám định cho 56 trường hợp và đang điều trị cho 12 đối tượng bắt buộc chữa bệnh trong diện tích nhỏ, mượn từ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.

Ngoài cơ sở vật chất thiếu thốn, Phân viện cũng không tuyển đủ số cán bộ và giám định viên mặc dù có chỉ tiêu biên chế. Thiếu giám định viện là bác sỹ, chỉ có 2 giám định viên đã 55 tuôỉ, theo dõi quản lý, thăm khám các đối tượng, chuyên ngành khó nên dù có chỉ tiêu mà ko có ai nộp hồ sơ dự tuyển.

Tại buổi làm việc, Tiến sỹ Cao Hưng Thái đề nghị Phân viện thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về giám định pháp y tâm thần và Luật giám định tư pháp. Các cán bộ nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tuân thủ nguyên tắc công khai, vô tư, trung lập, không lệ thuộc chính trị, kinh tế, không làm khống hồ sơ. Đồng thời tuân thủ đầy đủ chế độ ghi chép hồ sơ bệnh án đối với các đối tượng bắt buộc chữa bệnh.

“Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng trong quá trình điều trị bắt buộc,” Tiến sỹ Cao Hưng Thái nêu rõ.

Bên cạnh đó, Phân viện cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tại địa phương như Sở Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An… để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động./.

Lê Hảo (TTXVN/Vietnam+)