Thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản phát triển thực chất, hiệu quả
Việt Nam mong muốn Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả cho các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới tương lai phát triển bền vững cho các quốc gia.
Ngày 25/6, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã cùng Trưởng SOM, Trưởng đoàn các nước ASEAN và Nhật Bản tham dự Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản thường niên lần thứ 39 tại Bangkok (Thái Lan).
Các nước đã rà soát tình hình hợp tác, đề xuất những định hướng và biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản thời gian tới, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực.
Tại diễn đàn, các nước hoan nghênh Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản (Tokyo, tháng 12/2023) thành công tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt, mở ra chương hợp tác mới trong quan hệ đối tác hai bên trong chặng đường phát triển tiếp theo.
Cả ASEAN và Nhật Bản cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đối với mỗi bên và cả khu vực, thống nhất nhận định quan hệ ASEAN-Nhật Bản hiện là một trong những mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất trong quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Thứ trưởng Ngoại giao Takehiro Funakoshi, Trưởng SOM Nhật Bản, khẳng định Nhật Bản luôn là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cùng phối hợp đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.
Hoan nghênh những tiến triển tích cực thời gian qua, ASEAN và Nhật Bản khẳng định phối hợp chặt chẽ triển khai kết quả Hội nghị cấp cao kỷ niệm 2023, trong đó có Tuyên bố Tầm nhìn chung và Kế hoạch triển khai Tuyên bố nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai bên phát triển thực chất, hiệu quả và cùng có lợi trong thời gian tới.
Cùng với tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tự cường chuỗi cung ứng, phát triển doanh nghiệp, giao lưu nhân dân, giáo dục, y tế, các nước nhất trí mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, hướng tới tương lai bền vững như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu…
Nhật Bản nhất trí cùng ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, hợp tác biển.
ASEAN trông đợi Nhật Bản sớm cụ thể hóa các sáng kiến, cam kết của Thủ tướng Fumio Kishida tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm thông qua các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.
Trước tình hình gia tăng căng thẳng, bạo lực và xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới, như bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, xung đột Nga-Ukraine, Trung Đông…, các nước nhấn mạnh tăng cường phối hợp nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, bao gồm ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và phát triển, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trao đổi tại diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định mong muốn Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả cho các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới tương lai phát triển bền vững cho các quốc gia và người dân hai bên và khu vực.
Thứ trưởng đề nghị hai bên cần tăng cường hợp tác kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bao gồm thông qua khuôn khổ hợp tác Mekong-Nhật Bản, đóng góp vào tổng thể phát triển chung của ASEAN, đồng thời đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN thực hiện các cam kết giảm phát thải carbon, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua các cơ chế, sáng kiến như Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng "0" (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản, Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á và Sáng kiến Tương lai năng lượng sạch cho ASEAN.
Về tình hình thế giới và khu vực, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, nhất là các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thượng tôn luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, ủng hộ các nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, góp phần xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.