Thúc đẩy liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhỏ nhưng vẫn có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá đây là sản phẩm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, không sử dụng hóa chất trong canh tác, cũng như các chất sinh trưởng phi hữu cơ.
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, cần phải có sự liên kết chặt chẽ các khâu mới có thể phát triển ổn định và bền vững trong sản xuất nông sản hữu cơ, đảm bảo thu nhập cho người nông dân.
Nghị quyết số 19-NQ/TW/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn."
Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới có 191 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Có 74 quốc gia, vùng lãnh thổ ban hành quy định sản xuất hữu cơ.
Tại Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Tính đến cuối năm 2023, cả nước hiện có 495.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 4,3% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, chiếm 0,69% diện tích sản xuất hữu cơ của thế giới.
Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhỏ nhưng vẫn có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp Và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, địa phương này hiện có trên 1.500ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; trong đó, diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế là 1.308ha, chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam là 270ha.
Đến hết năm 2023, Lâm Đồng cũng hỗ trợ xây dựng được 10 chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và đem lại lợi nhuận cao hơn cho người dân so với thông thường.
Tương tự, hiện tỉnh Bình Dương có 600ha diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trên các loại cây trồng. Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt kế hoạch về việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đến năm 2025 duy trì diện tích trồng trọt đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hiện có.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn phân phối tại hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, xuất khẩu, giải được bài toán đầu ra cho nông sản.Các chuyên gia đánh giá, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu; góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Tuy nhiên, để có thể bước đi lâu dài, các mắt xích trong hệ thống sản xuất hữu cơ cần có sự liên kết chặt chẽ.
Theo ông Lê Minh Lịnh, Phó Chủ tịch Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.
Cụ thể, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi có thể thực hiện theo liên kết ngang (nông dân-nông dân, hợp tác xã-hợp tác xã, doanh nghiệp-doanh nghiệp) hoặc liên kết dọc (nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp).
Qua đó giúp nâng cao giá trị và phát triển bền vững đối với cả ngành chăn nuôi và trồng trọt. Để cụ thể hóa các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều địa phương đã lập kế hoạch để kêu gọi, huy động các đơn vị cùng tham gia.
Điển hình tại Bình Dương, cơ quan quản lý, chính quyền các cấp đã đồng hành chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ từ phía chuyên gia trong lĩnh vực này.
Các đơn vị chuyên ngành căn cứ vào điều kiện thực tiễn, vùng sản xuất để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hàng năm cho phù hợp; chú ý tính khả thi khi triển khai thực hiện như đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, lựa chọn đối tượng tham gia mô hình.
Ông Phạm Văn Bông chia sẻ Bình Dương đã tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng, cán bộ quản lý các cấp về sản sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều hình thức.
Đồng thời, tỉnh hướng dẫn người sản xuất thay đổi tập quán, thói quen sản xuất thông thường, áp dụng và chuyển đổi quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để có được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu nông sản của địa phương.
Ngoài ra, người sản xuất cần tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hiện có như chính sách VietGAP, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, chính sách về nông nghiệp hữu cơ.Về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều doanh nghiệp liên kết hợp tác với các đơn vị sản xuất hữu cơ, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo bà Phan Linh Trường Thi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Lành (Thành phố Hồ Chí Minh) hiện Việt Nam có rất nhiều sản phẩm hữu cơ hấp dẫn về mùi vị, mẫu mã, giá thành hợp lý. Người tiêu dùng cũng đã hiểu về tiêu chuẩn, sản phẩm và giá cả hơn trước rất nhiều.
Công ty hiểu rõ những khó khăn người nông dân gặp phải trong sản xuất, về vật tư đầu vào, về cả đầu ra của sản phẩm. Do đó, nông dân tham gia sản xuất hữu cơ cần được đào tạo, tuyên truyền, tập huấn đồng bộ để chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ.
Từ đó, khuyến khích nông dân thực hành, phối hợp với doanh nghiệp tiêu thụ để tạo ra sản phẩm chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới thêm nhiều cơ hội để phát triển bền vững./.