Thúc đẩy hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam
Trưởng Đại diện Thường trú UNDP nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành một quốc gia trỗi dậy trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Chiều 17/10, tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp và làm việc với bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng chào đón bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đến thăm, làm việc với Học viện, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, UNDP là một đối tác lâu năm của Học viện, với các hoạt động hợp tác liên quan tới đào tạo và nghiên cứu.
Kể từ năm 2011, Học viện đã hợp tác với UNDP trong việc truyền đạt kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và khuyến nghị chính sách cho khoảng 50 tỉnh. Nhiều tỉnh trong số này đã xây dựng kế hoạch hành động hoặc tổ chức các hội thảo chẩn đoán sâu.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV và chuẩn bị tâm thế kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 cũng như đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn,” “sánh vai cường quốc năm châu.”
Trong bối cảnh đó, Việt Nam mong muốn nhận được những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển đất nước từ bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó có UNDP. Những tư vấn, khuyến nghị của UNDP là những thông tin tham khảo quan trọng để Đảng, Nhà nước Việt Nam đề ra những chính sách phát triển đất nước bền vững, bao trùm, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự phát triển đất nước.Cũng trong bối cảnh mới này, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị hợp tác giữa Việt Nam và UNDP nói chung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với UNDP nói riêng cần có những đổi mới, mở rộng hợp tác, vượt ra khỏi khuôn khổ hợp tác truyền thống nhiều năm qua.
Theo đó, phối hợp củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai bên để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cho năm 2030 và xa hơn nữa; thực hiện giai đoạn tiếp theo của Chương trình PAPI "Khả năng phục hồi bao trùm thông qua sự tham gia" cho giai đoạn 2026-2030 cũng như một số nghiên cứu chung theo đề xuất của Học viện.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị hai bên xem xét phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác về trao đổi và chia sẻ tri thức giữa Học viện và UNDP, nhất là trong lĩnh vực phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số; hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu tư vấn chính sách, xây dựng các báo cáo phát triển Việt Nam, báo cáo phát triển con người; mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế giữa các nhà khoa học, đơn vị giảng dạy của Học viện với cộng đồng khoa học quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Cảm ơn Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã dành thời gian tiếp và có những trao đổi sâu sắc về hợp tác giữa hai bên, bà Ramla Khalidi thể hiện sự đồng tình với những ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thắng về định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới cũng như hợp tác giữa Học viện và UNDP.
Bà Ramla Khalidi cho biết, UNDP đánh giá cao con đường phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn và đang thực hiện có hiệu quả với những thành tựu đạt được thời gian qua, trong đó có quan điểm lấy con người làm trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển đất nước; cùng với đó là cam kết mạnh mẽ chuyển đổi nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Trưởng Đại diện Thường trú UNDP nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành một quốc gia trỗi dậy trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu năm với Học viện cũng như bối cảnh phát triển mới của Việt Nam, bà Ramla Khalidi bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Học viện trong các nghiên cứu chính sách dựa trên luận chứng và chương trình khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn mới./.