Thúc đẩy hợp tác quan hệ lao động giữa Việt Nam và Saudi Arabia
Việt Nam và Saudi Arabia thống nhất nâng cao mức độ hợp tác trong đào tạo nghề, đồng thời xem xét lại các nội dung của Hiệp định tuyển dụng lao động giúp việc gia đình được ký kết vào năm 2014.
Chiều 9/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy nhằm trao đổi những vấn đề liên quan đến thúc đẩy hợp tác quan hệ lao động giữa hai nước.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cho biết thời gian qua, quan hệ ngoại giao giữa hai nước có bước phát triển nổi bật, có thể kể đến cuộc họp vào cuối năm 2023 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam và Saudi Arabia.
Tại đây, với sự tham gia của nhiều cơ quan quan trọng trong Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, hai bên đã trao đổi, bàn bạc về nhiều lĩnh vực cần quan tâm thúc đẩy hợp tác.
Hai bên đã thống nhất nâng cao mức độ hợp tác trong đào tạo nghề, đồng thời xem xét lại các nội dung của Hiệp định tuyển dụng lao động giúp việc gia đình được ký kết vào năm 2014 theo hướng có thể điều chỉnh lại để tiếp nhận nhiều hơn lao động Việt Nam trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, du lịch…
Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cũng chia sẻ hiện nay, Saudi Arabia đang thực hiện chính sách Tầm nhìn 2030 hướng tới đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc dầu mỏ và phát triển tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, cũng như tích cực quan tâm hơn đến môi trường lao động, thể hiện qua việc đã đề ra các chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo tiền lương và minh bạch trong công tác tuyển chọn lao động phù hợp hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế.
"Trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, thời gian qua, Bộ Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Saudi Arabia đã có chuyến thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành liên quan. Chúng tôi khẳng định rất muốn tiếp tục gia tăng nhận lao động Việt Nam, không chỉ là trong lĩnh vực giúp việc gia đình mà còn nhiều hình thức khác. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa vào mối quan hệ hợp tác giữa hai nước," Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Saudi Arabia có tiềm năng rất lớn nếu hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác ngoại giao, qua đó sẽ tạo ra cơ hội không chỉ cho kinh tế mà còn là cơ hội cho các lĩnh vực về xã hội và lao động, việc làm. Tiềm năng phát triển quan hệ lao động giữa hai nước cũng rất lớn, tuy nhiên lại chưa khai thác được những kết quả tương xứng, đặc biệt trong vấn đề hợp tác nhân lực về đào tạo nghề.
"Theo thống kê, hiện nay có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Saudi Arabia, chủ yếu là lao động giúp việc gia đình, xây dựng, dịch vụ nhà hàng. Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác phát triển của hai nước, một phần nguyên nhân liên quan đến thể chế pháp luật và khoảng cách địa lý giữa hai nước," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Trong thời gian tới, để có thể đẩy mạnh hơn số lao động Việt Nam chất lượng cao sang làm việc tại Saudi Arabia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hai nước cần chia sẻ cùng nhau cách nhìn tương đồng về thể chế, pháp luật trong việc đưa và tiếp nhận lao động.
Phía Saudi Arabia cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến chế độ lương thưởng đối với người lao động Việt Nam. Đồng thời, cần chỉnh sửa nội dung Hiệp định tuyển dụng lao động giúp việc gia đình được ký kết vào năm 2014, mở rộng các lĩnh vực nghề mà hai bên có thể hợp tác và là thế mạnh của lao động Việt Nam như lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, cơ khí.
Bày tỏ cảm ơn và đồng tình về những thông tin Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cho biết sẽ đảm bảo cố gắng làm đầu mối thông tin tốt nhất, ủng hộ thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, trong đó có hợp tác lao động./.