Thức ăn đường phố: Nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn chực chờ
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 16.000 điểm bán thức ăn đường phố; đây là loại hình kinh doanh thực phẩm lưu động, rất khó kiểm soát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.
Thời gian gần đây, hàng loạt ca ngộ độc thực phẩm xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã khiến mối lo về an toàn thực phẩm “nóng” trở lại.
Là đô thị lớn nhất cả nước với hàng chục ngàn điểm bán thức ăn đường phố, lưu động, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tìm ra phương án kiểm soát hiệu quả.
Tấp nập hàng rong trước cổng trường
Hằng ngày, thời điểm học sinh đến trường và giờ tan học buổi chiều, cổng trường Tiểu học Bùi Minh Trực (Phường 6, Quận 8) lại xuất hiện hàng chục xe đẩy bán đồ ăn, nước uống vây quanh. Như một thói quen, nhiều phụ huynh học sinh đã lựa chọn mua đồ ăn sáng ngay tại đây trước khi đưa con vào lớp học.
Mua cho con một ổ bánh mỳ thịt tại một xe đẩy hàng rong trước cổng trường, chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ tại 2225 Phạm Thế Hiển, Quận 8) cho biết con trai chị thích ăn đồ ăn sáng ở đây nên chị mua cho con ăn, ăn xong cháu vào lớp học luôn.
Hàng rong bán thức ăn, nước uống bao vây các cổng trường học là tình trạng đã diễn ra từ lâu. Dù các nhà trường, cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần ra quân dẹp bỏ loại hình buôn bán tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm này nhưng sau một thời gian ra quân thì tình trạng lại tái diễn như cũ.
Không chỉ trước cổng trường, dọc các tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng nào cũng mọc lên các điểm bán đồ ăn sáng lưu động, tấp nập kẻ bán người mua. Tranh thủ trên đường đi làm, nhiều người là nhân viên văn phòng, công nhân lao động ghé lề đường mua đồ ăn sáng, vừa nhanh, tiện lại rẻ.
Ghi nhận ngay trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1), nhiều xe bún, mỳ, cháo… bày bàn ghế chiếm gần hết vỉa hè, sáng nào cũng thu hút rất đông thai phụ và người nhà ghé ăn sau khi khám ở bệnh viện ra.
Còn tại một điểm bán cơm tấm trên vỉa hè đường Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3) mỗi sáng bán hơn 50kg sườn, gần 100 quả trứng cũng luôn tấp nập người ăn tại chỗ, người mua mang đi.
Điểm chung của các xe đẩy, quầy hàng bán dọc đường, trước cổng trường học đều tạm bợ, không có dụng cụ bảo quản chuyên dụng. Thậm chí, nhiều loại đồ ăn còn không được bao gói, che chắn, mặc cho bụi đường, khói xe mù mịt.
Chén, bát, đũa sau khi sử dụng xong hầu hết chỉ được tráng 1 vài nước qua loa rồi lại dùng tiếp cho khách sau. Nước thải, đồ ăn thừa được vô tư xả xuống cống thoát nước bên cạnh. Còn người bán hàng thì không biết đến các quy trình về thực hành an toàn thực phẩm.
Khó kiểm soát an toàn thực phẩm đường phố
Mới đây, đã có 16 học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện sau khi ăn món cơm cuộn được bán trước cổng trường.
Tuy không xảy ra các sự cố nghiêm trọng nhưng điều này dấy lên những lo ngại về công tác quản lý loại hình kinh doanh thực phẩm này. Trước đó, tại Thành phố cũng xảy ra vụ ngộ độc Botulinum khiến nhiều người nhập viện sau khi ăn giò chả của một người bán hàng rong.
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng như hiện nay, bác sỹ Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, thức ăn bán ở cổng trường là mối đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe của học sinh.
Theo bác sỹ Phương, thời tiết nắng nóng khiến các loại vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh, thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng. Đặc biệt, thức ăn được bán bởi các xe đẩy, gánh hàng rong… nguy cơ càng tăng gấp bội bởi không rõ nguồn gốc, không được chế biến, bảo quản cẩn thận.
“Để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, phụ huynh nên cho con ăn chín, uống chín, sử dụng thức ăn ở nơi bán uy tín, không nên mua thức ăn bán ở cổng trường, vỉa hè, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn,” bác sỹ Phương khuyến cáo.
Thống kê của Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có khoảng 16.000 điểm bán thức ăn đường phố.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở cho biết, thức ăn đường phố, thức ăn trước cổng trường là loại hình kinh doanh thực phẩm lưu động, khó kiểm soát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.
Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5, Sở tập trung kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể, bếp ăn trong trường học và các điểm bán thức ăn bên ngoài trường học ở tất cả 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Sở đã thành lập 11 đoàn kiểm tra, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thành phố, với số lượng kiểm tra dự kiến trên 2.000 cơ sở.
Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận, việc kiểm tra, giám sát mới chỉ được thực hiện ở các bếp ăn, căngtin bên trong trường học, với các đơn vị kinh doanh bên ngoài, nhất là hàng rong di động trở nên khó khăn hơn.
“Quan điểm của chúng tôi là không chống thức ăn đường phố, nhưng chúng tôi tiến hành vận động khuyến khích, yêu cầu người bán hàng phải làm sản phẩm đảm bảo sạch sẽ, an toàn,” Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, bà Lan khuyến cáo, người dân nên ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, các bậc phụ huynh nâng cao ý thức trong việc nhắc nhở con em mình hạn chế sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, các thực phẩm di động bày bán trước cổng trường.
Sở Y tế Thành phố cũng khuyến cáo, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong gia đình. Đặc biệt trong kỳ nghỉ hè sắp tới, các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không tự ý mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc./.